Biến thế mạnh biển đảo thành sức bật phát triển du lịch

Với bờ biển trên 3.260km, hơn 2.773 đảo ven bờ cùng hàng loạt bãi tắm đẹp trải dài là những ưu thế thúc đẩy du lịch biển, đảo của Việt Nam phát triển.
Biến thế mạnh biển đảo thành sức bật phát triển du lịch ảnh 1Khách quốc tế tàu du lịch biển SuperStar Gemini cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển đang được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những định hướng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Với bờ biển trên 3.260km, hơn 2.773 đảo ven bờ cùng hàng loạt bãi tắm đẹp trải dài là những ưu thế thúc đẩy du lịch biển, đảo của Việt Nam phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết hiện nay, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% trong hoạt động của ngành du lịch và được xem là 1 trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Vì vậy, muốn phát triển nhanh và bền vững, du lịch biển Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu đặc thù.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển, thuận lợi cho việc phát triển du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nhật Lệ (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Nhiều địa phương ven biển và hải đảo như Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là nơi hội tụ đủ những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn có giá trị, tạo sức hấp dẫn lớn về du lịch.

Hệ thống cơ sở lưu trú ven biển không ngừng tăng lên; số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở các địa phương ven biển. Đến nay, vùng ven biển có gần 1.400 khách sạn với trên 45.000 phòng.

Mặc dù vùng ven biển có nhiều thuận lợi hơn những vùng lãnh thổ khác về tài nguyên du lịch, nhưng trong một thời gian dài, tỷ trọng khách du lịch, thu nhập từ du lịch biển so với du lịch cả nước không có sự thay đổi đáng kể. Du lịch biển Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch.

Một số đại diện doanh nghiệp du lịch cho rằng, Việt Nam tuy “giàu có” về tiềm năng du lịch biển, đảo nhưng vẫn chưa khai thác tốt và hiệu quả của lĩnh vực kinh tế này.

Bên cạnh những điểm du lịch quen thuộc lâu nay, những nơi du khách không còn muốn đến nhiều vì sự xô bồ, những khu du lịch biển, đảo khách cũng chỉ đến một, hai lần rồi thôi.

Hiện nay, nhu cầu khách đi du lịch biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm...

Một số vùng biển có tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) do thiếu hạ tầng, dịch vụ.

Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá bất thường khi vào thời điểm “nóng” đã làm cho khách nản.

Ngoài ra, ngành công nghiệp du lịch tàu biển của Việt Nam phát triển còn chậm, nhỏ lẻ, manh mún, đóng góp vào GDP của đất nước chưa cao.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch bằng hình thức này chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 1999-2013, Việt Nam chỉ đón được 309.000 lượt du khách du lịch bằng hình thức tàu biển, chiếm khoảng 12% tổng số lượng khách đến Việt Nam. Điều này có nhiều nguyên nhân, như kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế.

Nước ta chưa có nhà ga, bến tàu dành riêng cho du khách và đặc biệt là chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao, sản phẩm du lịch biển nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các dịch vụ bổ trợ để du khách lưu trú dài ngày.

Mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực như cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường yếu và thiếu...

Với 39 cụm cảng biển được quy hoạch nhưng bến khách chuyên dùng dành cho tàu du lịch quốc tế rất ít. Hầu hết các cảng đón khách du lịch tàu biển đều sử dụng chung với tàu hàng hóa, tàu container.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết đặc thù của khách tàu biển là lượng khách rất lớn, mỗi chuyến từ 500-3.000 khách. Vì vậy, hạ tầng giao thông thuận tiện, tiếp cận từ cảng đến điểm tham quan du lịch cũng là điều quyết định. Tuy đã được cải thiện nhưng cần phải nâng cấp hơn về hệ thống đường bộ, để hàng nghìn khách có thể đến các điểm tham quan một cách thuận tiện nhất.

Mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng

Mục tiêu phát triển du lịch biển đến năm 2020 trở thành ngành động lực kinh tế của Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực.

Theo mục tiêu đó, Việt Nam sẽ phải hình thành ít nhất 5 khu du lịch biển tầm cỡ có sức cạnh tranh cao trong khu vực là khu du lịch Hạ Long-Cát Bà, khu du lịch Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An, khu du lịch Nha Trang-Cam Ranh, khu du lịch Phan Thiết-Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các khu du lịch quốc gia khác đã được xác định để đến năm 2030 có thể trở thành những khu du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực.

Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển và hướng đột phá trong những năm tới.

Chương trình hành động này được thực hiện với các chương trình trình hoạt động cụ thể như nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển, điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, đầu tư có hệ thống và có trọng điểm hạ tầng du lịch biển, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển, triển khai các dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020; phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và dự án lồng ghép kế hoạch ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển du lịch biển đến năm 2020.

Trong quá trình triển khai, thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương ven biển, đặc biệt là các địa phương trên các địa bàn trọng điểm du lịch.

Ngoài ra, trên cơ sở đề án này, sản phẩm du lịch biển trong thời gian tới phải được đầu tư một cách xứng đáng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.

Cụ thể là tiếp tục đầu tư khai thác, chú trọng nâng cao chất lượng, tính đặc thù của các sản phẩm du lịch hiện đang khai thác phục vụ khách du lịch tàu biển tham quan các di sản thế giới ở vùng ven biển, cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng biển; cải tiến thủ tục hải quan, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tàu biển.

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thế giới, du lịch biển, trong đó có du lịch tàu biển có tốc độ tăng trưởng nhanh kể cả số lượng khách và chất lượng phục vụ, với lượng khách đạt 21 triệu lượt trong năm 2013 và tăng lên khoảng 25 triệu lượt trong năm 2015.

Châu Á hiện là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển với nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại, lượng khách được dự báo là 3,7 triệu lượt vào năm 2017.

Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận và kết nói với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới là Hong Kong, Singapore trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực.

Nhiều hãng tàu biển nổi tiếng thế giới đã cập cảng Việt Nam như Star Cruises, Hapag Lloyd Cruises, Phoenix Cruises, Saga Ahipping, Orion Expedition Cruises, Super Star Aquarius...

Vì vậy, để thu hút khách du lịch tàu biển, cần phát triển các cảng biển chuyên đón tàu khách. Các địa phương trong nước có cảng biển cần có sự liên kết tốt để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Việt Nam cũng cần xây dựng cảng biển chuyên dụng, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, du lịch biển đang là thế mạnh được ưu tiên; trong đó, mỗi địa phương, vùng miền có biển có thể phát triển sản phẩm du lịch biển một cách khác biệt.

Chẳng hạn tới Hạ Long, Cát Bà, ngoài cảnh biển còn là tham quan thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới về cảnh quan đá vôi phát triển trên biển.

Dải đất miền Trung từ Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) cho đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu thì lại có thế mạnh khác với hai phân khúc, thứ nhất là từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) tới Thừa Thiên-Huế, thứ hai là từ Quảng Nam-Đà Nẵng tới Vũng Tàu.

Mỗi phân khúc có đặc trưng riêng và cần sự ưu tiên khác nhau để phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, tài nguyên thế mạnh, khác biệt về khí hậu, địa hình, địa mạo; điều này sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận riêng biệt rõ rệt với mỗi vùng biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục