Biến thể Delta làm giảm sự phục hồi khu vực Đông Á, Thái Bình Dương

Số ca bệnh COVID-19 gia tăng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong năm 2021.
Biến thể Delta làm giảm sự phục hồi khu vực Đông Á, Thái Bình Dương ảnh 1Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 16/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27/9 cho rằng sự lây lan biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã làm suy yếu sự phục hồi của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, theo đó WB kêu gọi một chiến lược toàn diện nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19 đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.

Theo bản cập nhật kinh tế mùa Thu 2021 tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do WB mới công bố, hoạt động kinh tế tại khu vực này bắt đầu chậm lại trong quý 2 năm nay và dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực đều giảm.

Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Manuela Ferro, cho biết trong năm ngoái, khu vực này được đánh giá là kiềm chế khá tốt dịch bệnh COVID-19 trong khi các khu vực khác trên thế giới phải chật vật ngăn chặn đại dịch.

[Chênh lệch trong triển vọng phục hồi kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương]

Tuy nhiên, số ca bệnh gia tăng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong năm 2021. 

Báo cáo cập nhật của WB cho biết ngoài kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,5% trong năm 2021, cao hơn 0,4% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4, phần còn lại của khu vực được dự báo đạt tăng trưởng 2,5%, giảm 1,9% so với mức dự báo trước đó.

Lưu ý sự khác nhau giữa các nước trong khu vực, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Aaditya Mattoo, cho rằng một số quốc gia như Trung Quốc được đánh giá tương đối thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh, trong khi các quốc gia khác vốn cũng được đánh giá là kiềm chế dịch bệnh tốt trước đó, như Malaysia Việt Nam, hiện lại đang phải gồng mình chống dịch và hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể.

Các nước khác như Philippines và Indonesia cũng luôn phải chật vật ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến tồi tệ hơn, do đó hoạt động kinh tế của các nước này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, khiến dự báo tăng trưởng kinh tế không còn triển vọng như trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục