Chiều 5/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tiếp tục diễn ra phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về nhiều vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng được cử tri cả nước quan tâm.
Nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về vai trò, biện pháp xử lý các khiếu kiện, khiếu nại trong quản lý đất đai; rà soát các bất cập trong quy định để sửa đổi, chấn chỉnh công tác quy hoạch; hoàn thiện hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý và xử lý nghiêm minh các vi phạm lĩnh vực này.
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết thời gian gần đây, có không ít các vụ việc khiếu kiện cần sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm tra; nhất là lĩnh vực đất đai và sự phiền hà, nhũng nhiễu trong việc thực thi các thủ tục hành chính về đất đai đối với người dân và doanh nghiệp, đúng như phản ánh từ một số đại biểu Quốc hội.
[Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời bao quát, đề xuất nhiều giải pháp]
Theo kết quả rà soát, đánh giá, cơ quan thanh tra nhận định trong đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, cấp quyền sử dụng đất cho người dân là những lĩnh vực có nhiều khiếu kiện nhất; hay như ở lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và việc quản lý tài chính ngân sách.
Ngành thanh tra đã kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng, cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và kinh doanh... Đây là một số lĩnh vực dễ xảy ra những vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngành thanh tra cũng đã đề xuất Chính phủ một số giải pháp để ngăn chặn, xử lý những nhũng nhiễu, phiền hà và tâm lý bức xúc trong người dân và doanh nghiệp khi triển khai dự án; nhất là phục vụ cho Chương trình Chính phủ số với mục tiêu tập trung cho việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt là đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.
Cùng với đó là việc phải tích cực đổi mới công nghệ thông tin, công nghệ số khi triển khai các thủ tục hành chính trong thực tế.
Người đứng đầu ngành thanh tra đánh giá, việc xử lý nhiều sai phạm, phát sinh cũng là điều cần phải được tập trung hơn trong thời gian tới đây.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng như ngành thanh tra sẽ cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương để xây dựng định hướng các chương trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, có nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai cũng như việc xử lý những vấn đề sai phạm, phức tạp kéo dài.
Sau ý kiến đánh giá của Thanh tra Chính phủ, chính quyền các cấp và đại diện các bộ, ngành và địa phương cũng có nhiều phương án để cải thiện việc quản lý, sử dụng đất đai, phát huy nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Việc xử lý các đơn vị, tổ chức hay những cá nhân có nhiều sai phạm như phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền; xác định giá đất để giao đất thấp hơn nhiều so với thị trường cho thuê; mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch, không đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước...
Qua thanh tra và giải quyết khiếu mại, tố cáo, cơ quan chức năng cũng thống nhất giải pháp cần làm là nghiên cứu, rà soát những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, để sửa đổi và điều chỉnh khung khổ pháp lý nhằm đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.
Thêm nữa, cần chấn chỉnh quy hoạch, quản lý Nhà nước về đất đai, hoàn thiện hệ thống theo dõi, đánh giá công tác quản lý đất đai ở địa phương và cả nước.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là đăng ký, cấp giấy chứng nhận, cơ sở dữ liệu về đất đai... để phát hiện nhằm ngăn chặn những hành vi lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước./.