Biện pháp để châu Á-TBD giảm nhanh lượng khí thải

Tương lai thế giới phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn con đường phát triển bền vững ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu Á-TBD.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong báo cáo mới nhất về tiến bộ của nguồn nhân lực trong biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khẳng định tương lai của thế giới phụ thuộc rất nhiều vào những lựa chọn con đường phát triển bền vững ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu Á-Thái Bình Dương, nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới và hơn 50% số siêu thành phố trên toàn cầu.

Báo cáo của UNDP nhấn mạnh đã đến lúc các nước châu Á-Thái Bình Dương phải quyết định hành động để cân bằng giữa việc tăng trưởng kinh tế và tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thành công hay thất bại của các nước này sẽ tác động lớn đến toàn thế giới.

Châu Á-Thái Bình Dương phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế để cứu hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo nhưng cũng phải có giải pháp thích hợp trước các hiểm họa biến đổi khí hậu để tồn tại.

Mô hình ưu tiên tăng trưởng trước, làm sạch môi trường sau không thể là một lựa chọn phát triển của các nước khu vực này. Mục tiêu của khu vực đã rõ ràng: giảm đói nghèo, tăng thịnh vượng phải song hành với giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến mức thấp nhất.

Báo cáo của UNDP nêu rõ rằng châu Á-Thái Bình Dương không chỉ phải hành động khẩn cấp để giảm khí thải mà còn có nhiều cơ hội khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển. Để phản ứng hiệu quả trước biến đổi khí hậu, các nước trong khu vực cần thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa, tăng mùa vụ cây trồng và chăn nuôi, tạo nhiều nguồn năng lượng theo hướng xanh hơn, giảm khí thải lớn hơn nhằm đảm bảo bền vững môi trường và tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

Châu Á-Thái Bình Dương đã nổi lên như là công xưởng toàn cầu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế giới, nhưng các nước đang phát triển của khu vực đã tiêu dùng tới 80% lượng tiêu thụ than của thế giới và 85% nguồn năng lượng then chốt của khu vực là từ nguồn nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu mỏ và khí đốt.

Các nước châu Á cũng thải ra 37% tổng lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất nông nghiệp. Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường tiêu dùng lớn nhưng bất bình đẳng. Hơn 900 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, 1,9 tỷ người chưa được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản nhưng có tới 2,5 tỷ thuê bao điện thoại di động.

Báo cáo của UNDP đề xuất 8 biện pháp để châu Á-Thái Bình Dương tăng khả năng phản ứng trước biến đổi khí hậu và giảm nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đó là: khuyến khích quá trình chuyển nhanh sang công nghệ xanh; giảm nhanh lượng khí thải từ công nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh hơn; hỗ trợ sản xuất năng lượng sạch hơn; cải thiện cuộc sống của người nghèo ở thành phố và nông thôn; mở rộng tài chính từ các các nguồn trong nước, quốc tế, tài chính công và tư nhân; tăng cường nguồn tri thức về biến đổi khí hậu cho công dân; tăng cường hợp tác xuyên biên giới để chia sẻ kinh nghiệm và các đường lối xử lý biến đổi khí hậu hiệu quả./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục