Ngày 28/3, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tầm nhìn quốc gia và địa phương."
Dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành, Bí thư Tỉnh ủy một số địa phương...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định việc khơi thức, nuôi dưỡng, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tạo những động lực tăng trưởng, phát triển mới luôn là yếu tố căn cốt, rất quan trọng của quản trị và phát triển đất nước nói chung, của quản trị và phát triển địa phương nói riêng.
Trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn như đại dịch COVID-19, việc tối ưu hóa các nguồn lực và động lực càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế-xã hội, tạo những tiền đề cho sự ổn định ngay trong tình trạng bất định, “biến nguy thành cơ,” tìm thấy những cơ hội phát triển mới trong và sau đại dịch.
Ông Nguyễn Xuân Thắng gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ: Xu hướng toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương về nhận diện cơ hội, thách thức và đặc điểm nguồn lực và động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Nhìn nhận và xử lý đúng đắn vấn đề nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội từ phương diện quản trị địa phương gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ; nâng cao chất lượng thể chế địa phương trong kiến tạo, chuyển hóa, tái tạo, giải phóng tối đa các nguồn lực, biến tiềm năng thành hiện thực, biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Ngoài ra, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nhà nước, giữa nguồn lực Trung ương và nguồn lực tại chỗ, nhất là nguồn lực trong nhân dân; nắm bắt, chuyển hóa, tái tạo, tận dụng các loại nguồn lực mới.
Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào thảo luận về những kinh nghiệm được rút ra sau biến cố, khủng hoảng trong phòng, chống dịch, những điểm yếu mà ở trạng thái bình thường chưa lộ rõ, để từ đó điều chỉnh một cách có hệ thống...
[Động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022]
Các đại biểu cho rằng để phục hội hiệu quả kinh tế-xã hội thì những gói kích cầu cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để người lao động sớm được nhận và ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài; cần có chính sách để phát triển nhà ở cho công nhân và đánh giá cao sự kịp thời của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tháng 1/2022.
Tuy nhiên để đạt được hiệu quả thì cần phải giải ngân nhanh và sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ này, đồng thời kết hợp phát huy hiệu quả nguồn lực trong dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng cho rằng thể chế để huy động nguồn lực rất chung, cần chú ý thể chế để phát triển khoa học công nghệ vì đây là yếu tố để phát triển đất nước nhưng cũng là điểm yếu vì thành tựu khoa học công nghệ của nước ta còn hạn chế.
Cách quản lý khoa học công nghệ lạc hậu, phải sử dụng cơ chế thị trường nhiều hơn, đạo tạo nguồn nhân lực nòng cốt trong khoa học công nghệ.
Đổi mới thể chế về chính sách công tác cán bộ, phải đề cao tính năng động của cán bộ; phải có chính sách hậu kiểm, giám sát, kịp thời phát hiện, thay thế cán bộ sai phạm, yếu kém; chấm dứt tình trạng ngăn sông cấm chợ trong phòng, chống dịch, để không làm tắc nghẽn sự lưu thông, dịch chuyển của nền kinh tế- xã hội.
Đồng thời, coi trọng quản trị địa phương trên cả ba trụ cột chính là thể chế-bộ máy-con người, nhất là gia tăng năng lực quản trị, năng lực dự báo và ra quyết định, nhạy bén với biến chuyền tình hình, gắn với thúc đây hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ...
Các tham luận đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể, như nguồn lực tài chính công, nguồn lực đất đai; nguồn nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách tài khóa, nguồn lực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi ngành du lịch, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước, cải tiễn chỉ số cải cách thủ tục hành chính...
Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ địa phương tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh,” đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…
Đặc biệt, năm 2020 và 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, Quảng Ninh giữ đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021). Quí 1/2022 với tăng trưởng GRDP ước đạt 8,02%, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.550 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được của hội thảo.
Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương, tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan.
Hệ thống bài viết của hội thảo có chất lượng cao, sẽ được biên tập xuất bản thành sách; chọn lọc đăng tải trên các cơ quan báo chí để lan tỏa tinh thần và những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giá, góp phần tạo nên những phong trào thi đua, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội./.