Biến nguồn nguyên liệu tro trấu từ thóc gạo sản xuất dược phẩm

Đây là bước tiến đánh dấu trong mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mới, biến nguồn nguyên liệu tro trấu từ thóc gạo thành silica tinh khiết phục vụ cho sản xuất dược phẩm.
Biến nguồn nguyên liệu tro trấu từ thóc gạo sản xuất dược phẩm ảnh 1Các đại biểu tại buổi lễ ký kết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 10/12, dự án “Lúa gạo - Nguồn năng lượng xanh mới” (RING) đã được ký kết hợp tác giữa Sanofi Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ nano BSB (BSB Nanotech).

Đây là bước tiến đánh dấu trong mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mới, biến nguồn nguyên liệu tro trấu từ thóc gạo thành silica tinh khiết phục vụ cho sản xuất dược phẩm đồng thời giúp giảm lượng phát thải khí CO2 tại Việt Nam.

[Hãng dược phẩm Moderna bước đầu thành công với hai loại vaccine mới]

Trước đó, vào ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Tập đoàn dược phẩm Sanofi tại Paris trong chuyến tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu Cop-26. Nhân dịp này, Tập đoàn Sanofi đã ký biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Một trong những hoạt động được nêu trong Biên bản ghi nhớ là dự án RING, thể hiện cam kết cao nhất của Sanofi trong việc hỗ trợ hệ sinh thái năng lượng xanh tại Việt Nam.

Trong nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, Sanofi đã phát động một chương trình toàn cầu, tài trợ 80 tỉ đồng để hỗ trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường. “Lúa Gạo – Nguồn năng lượng xanh mới” là dự án đạt giải nhất trong chương trình trên.

Trấu thường được xem là chất thải. Nhưng trong dự án này, trấu lại trở thành nguồn nhiên liệu sinh khối có thể dùng để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hầu hết các ngành sản xuất. Tại Nhà máy sản xuất công nghệ cao của Sanofi sẽ thay thế lò hơi đốt dầu diesel bằng lò hơi đốt sinh khối trấu và loại bỏ 2,3 nghìn tấn khí thải CO2/năm.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ tiên phong thúc đẩy các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu diesel, góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí CO2 trên toàn quốc.

Việc sản xuất silica từ chất thải nông nghiệp mang lại nhiều lợi thế về môi trường, kỹ thuật, công nghệ và thương mại hơn so với các phương pháp sản xuất silica từ cát và thạch anh thông thường, đặc biệt đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế ESG đang được các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đặc biệt.

Là đối tác của dự án, BSB Nanotech sẽ hỗ trợ Sanofi ứng dụng giải pháp công nghệ đốt phù hợp để tách tro trấu thành silica cao cấp sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ứng dụng trong ngành dược, tạo giá trị gia tăng cho dự án với nguyên lý hoạt động của một giải pháp kinh tế tuần hoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục