Một thiếu niên người da đen bị cảnh sát bắn chết, trong vụ việc châm ngòi cho biểu tình và bạo động nổ ra ở Mỹ, đã được đưa tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Hàng ngàn người đưa tiễn
Trong lễ tang thu hút hàng ngàn người tham gia, gia đình Michael Brown đã tiễn biệt chàng trai 18 tuổi này bằng các bài Thánh ca và các diễn văn đã khiến nhiều người hiện diện tại nhà thờ Cơ đốc giáo ở gần khu Ferguson xúc động. Brown đã cảnh sát bắn chết ở Ferguson trong ngày 9/8.
Trong điếu văn đọc tại lễ tang, nhà hoạt động vì quyền dân sự, Mục sư Al Sharpton đã kêu gọi việc cần có những điều tốt đẹp xuất hiện sau cái chết của Brown.
"Tất cả chúng ta đều phải có phản ứng với chuyện này. Và tất cả chúng ta phải giải quyết chuyện này” – lời nói đầy cảm xúc của ông đã khiến nhiều người ở phía dưới hô vang đồng tình.
"Đây không phải là chuyện của riêng bạn. Đây là vấn đề công lý. Là về sự công bằng” – ông nói.
Các nhà hoạt động, các lãnh đạo tôn giáo, quan chức và chính trị gia cao cấp đã cùng gia đình Brown ngồi chật Nhà thờ Cơ đốc Friendly Temple với sức chứa 5.000 người.
Đặt cạnh chiếc quan tài màu đồng của Brown là các bức chân dung lớn chụp cậu lúc còn nhỏ và khi đã lớn lên. Một chiếc mũ bóng chày do đội St. Louis Cardinals gửi tới được đặt trên quan tài, gần một lẵng hoa hồng nhung lớn.
Khi đoàn người đưa tang tiến ra khỏi nhà thờ cùng quan tài, nhiều người chờ đợi suốt 3 giờ đồng hồ trong cái nóng nung người đã nhanh chóng tham gia đoàn đưa tiễn.
Brown đã thấy trước cái chết?
Thân nhân và bạn bè gọi Brown là “một chàng khổng lồ dễ mến” đã trở nên mộ đạo trong những ngày cuối cùng trước khi chết và đã dự cảm trước được cái chết của mình.
Mẹ kế của Brown là Cal Brown kể lại một cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, trong đó Brown nói rằng thế giới sẽ biết tới tên cậu.
"Con tôi đã rất muốn điều đó” – bà nói – “Chúa đã chọn một cách thức thật khác biệt và tôi chấp nhận với điều này. Cái chết của con tôi không phải là vô ích. Cháu không phải là một linh hồn lạc lối”.
Tuy nhiên Sharpton đã khiến những người tham gia buổi lễ nhớ lại hành động bắn chết Brown, đã khiến vết thương cũ rỉ máu, liên quan tới sự phân biệt chủng tộc và lòng tin giữa người Mỹ da đen và cảnh sát.
Ông đã kể lại khung cảnh của vụ nổ súng: “Michael Brown, một cậu trai 18 tuổi, nằm trên phố. Một giờ rưỡi trôi qua trước khi các thanh tra tới nơi. Thêm một giờ nữa trước khi người ta tới và đưa thi thể cậu ấy đi. Gia đình không được vượt qua dây chắn hiện trường của cảnh sát... Bạn sẽ làm gì?”
Sharpton nói rằng Brown không muốn được nhớ tới như tác nhân gây ra các cuộc biểu tình kéo dài gần 2 tuần ở Ferguson.
Thay vì thế, cậu muốn “trở thành nhân tố buộc người Mỹ phải đương đầu với việc họ sẽ giữ gìn trật tự ở nước Mỹ ra sao”.
Thống đốc tiểu bang Missouri, nơi quản lý Ferguson, ông Jay Nixon, đã không có mặt trong lễ tang. Gia đình Brown cũng yêu cầu ông tránh xa sự kiện.
Các cuộc biểu tình ở Ferguson hiện đã lắng xuống. Nhưng tranh cãi vẫn còn quanh cái chết của Brown.
Bị bắn dù đã giơ tay lên trời
Chỉ vài ngày trước khi bắt đầu vào đại học, Brown đang đi bộ trên phố sau khi rời khỏi một cửa hàng tạp hóa thì bị cảnh sát chặn lại vì cho rằng cậu đã đánh cắp một hộp xì gà. Hai viên cảnh sát nhảy ra khỏi xe và lập tức chĩa súng vào người Brown. Tiếp đó viên cảnh sát da trắng Darren Wilson nổ súng bắn ít nhất 6 phát đạn vào người Brown.
Lời kể của các nhân chứng hiện rất khác nhau. Cảnh sát nói rằng Brown đã tìm cách cướp súng của Wilson.
Nhưng các nhân chứng, gồm một người bạn của Brown đang đi cùng cậu, nói rằng Brown bị bắn dù đã giơ tay lên trời, tỏ dấu hiệu đầu hàng.
"Giơ tay lên, đừng bắn” sau đó đã trở thành câu nói phổ biến của những người biểu tình, yêu cầu có cuộc điều tra mở và trung thực về vụ việc.
Trong diễn biến liên quan, một cuộc thăm dò của USA Today/Pew cho thấy 65% người được hỏi nói rằng cảnh sát làm “tàm tạm” hoặc “tồi” trong việc buộc các viên cảnh sát sai phạm phải chịu tội. Chỉ 30% nói rằng cảnh sát đã làm tốt.
Kết quả thăm dò đã cho thấy công chúng Mỹ thiếu tin tưởng vào cảnh sát. Cái chết của Brown còn làm dấy lên các tranh cãi dữ dội về mối quan hệ giữa cảnh sát và người Mỹ gốc Phi, cũng như chiến thuật của cảnh sát trong việc xử lý các vấn đề an ninh trật tự.
Những người chỉ trích nói rằng cảnh sát Mỹ ngày càng “quân sự hóa” mạnh mẽ, khi sử dụng nhiều trang thiết bị, vũ khí của quân đội. Họ đánh giá trong 2 tuần xử lý biểu tình ở Ferguson, cảnh sát đã quá nặng tay.
Được biết tham gia lễ tang của Brown còn có cha đẻ Trayvon Martin, một thiếu niên da đen khác bị một dân quân da trắng bắn chết ở Florida vào năm 2012.
Người ta còn so sánh vụ này với vụ Eric Garner, một người Mỹ gốc Phi đã thiệt mạng trên đảo Staten của New York trong ngày 17/7, do bị cảnh sát làm cho nghẹt thở./.