"Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030" là chủ đề của Việt Nam nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) năm 2020, thông qua đó truyền tải ý nghĩa: từ cuộc chiến chống dịch COVID-19, người dân cùng chung tay, tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia, bệnh lao và COVID-19 có cùng điểm chung là nếu giải quyết tốt được nguồn lây thì sẽ kiểm soát, chấm dứt được bệnh tật.
Nếu công tác phòng, chống lao được đầu tư đúng mức, cùng với sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng như chống COVID-19 thì với hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm, thuốc men, phác đồ điều trị hiện có, Việt Nam sẽ dễ dàng phát hiện được hết các trường hợp lao. Điều đó cũng có nghĩa là tiến trình chấm dứt bệnh lao của Việt Nam sẽ đến sớm hơn.
[Huy động cộng đồng vào cuộc phát hiện sớm, chữa khỏi bệnh lao]
Khi có 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Việt Nam đã tạm đóng cửa các trường học. Trong khi đó, bệnh lao có đến 174.000 người mắc và 13.000 người tử vong (bao gồm cả lao/HIV) trong một năm. Bệnh không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh, thành phố mà hiện diện ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan dễ dàng ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời, chữa trị đúng cách. Từ khi phát bệnh đến lúc tử vong, người mắc bệnh đã có thể lây sang rất nhiều người khác.
Cơ chế lây truyền của bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét.
Vi khuẩn lao lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.
Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đã phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao; khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình; khoảng 50.000 người mắc lao chưa được phát hiện. Số người chết do bệnh lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người, có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV.
Các trường hợp tử vong do lao chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh lao được duy trì ở mức cao (trên 90% với bệnh nhân lao mới; 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn).
Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Để thúc đẩy các quốc gia đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao, các nguyên thủ quốc gia đã cùng nhau đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Việt Nam đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Tuy là bệnh lây nhiễm nhưng bệnh lao hiện có thể chữa khỏi hoàn toàn. Để phát hiện các ca bệnh và điều trị kịp thời, phòng tránh lây lan ra cộng đồng, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả cộng đồng để người bệnh không bị kỳ thị, mặc cảm, mà chủ động phát hiện bệnh, điều trị ngay khi có triệu chứng.
Trong cuộc chiến phòng, chống bệnh lao, phụ nữ trong mỗi gia đình được xác định là lực lượng quan trọng. Do vậy, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình để không mắc lao.
Hội Phổi Việt Nam cũng đã thành lập Chi hội Phụ nữ, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trên toàn quốc.
Chương trình cũng đặt mục tiêu 20 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành phòng chống lao./.