Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, các vấn đề biển đảo, trong đó có Biển Đông, là một trong những nội dung chủ đạo của Hội nghị phát triển luật quốc tế ở châu Á đang diễn ra tại Indonesia.
Hội nghị do Quỹ phát triển luật quốc tế châu Á (DILA) phối hợp với Viện nghiên cứu hàng hải Hàn Quốc (KMI) và Đại học Indonesia tổ chức, kéo dài từ ngày 14-18/10 với 8 phiên thảo luận.
Sự kiện quy tụ hơn 100 nhà nghiên cứu và chuyên gia luật đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các học giả đến từ Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Đại học Luật Thành phố Hồ CHí Minh và Học viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam.
Trong bài tham luận gửi tới hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định luật pháp quốc tế là “quy tắc” và là “nền tảng cần thiết” cho các cuộc đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp.
Bà Retno cũng cho rằng Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được thông qua nhằm thúc đẩy đối thoại, hữu nghị, hợp tác cũng như luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại phiên thảo luận đặc biệt về các vấn đề biển đảo, Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường đến từ Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo đã nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển luật quốc tế tại Biển Đông.
[Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC thứ 18]
Nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế đối với hòa bình, an ninh và ổn định, Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường cho rằng tại Biển Đông cũng như các vùng biển khác trên thế giới, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã tạo ra một “trật tự pháp lý” giúp thúc đẩy giao thương, khai thác và sử dụng các vùng biển một cách hòa bình, công bằng và hiệu quả, cũng như thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tài nguyên sinh vật, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển.
Về những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển của luật quốc tế tại Biển Đông, nhà nghiên cứu trẻ này cho biết cũng như các nước thành viên UNCLOS khác, Việt Nam đã và đang áp dụng bộ “hiến pháp đại dương” này trong việc khai thác Biển Đông vì lợi ích của mình.
Theo đó, UNCLOS và luật pháp quốc tế đã trở thành công cụ giúp Việt Nam xác định và làm rõ các quyền hạn và nghĩa vụ hàng hải của mình; cung cấp các cơ chế giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng khác; và quản lý hiệu quả các tranh chấp.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường, UNCLOS đã đóng vai trò là cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc xác định và bảo vệ vùng biển và thềm lục địa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển./.