Một nhà khí tượng học nghiệp dư đã ghi lại được khoảnh khắc cực quang ở phía Bắc Gibara, tỉnh Holguín của Cuba, vào tối 10/5 theo giờ địa phương. Đây là hiện tượng tự nhiên vô cùng hiếm gặp, đặc biệt ở các quốc gia nhiệt đới.
Cực quang là một hiện tượng tự nhiên xuất hiện dưới dạng các dải ánh sáng có màu sắc rực rỡ trên tầng cao của khí quyển ở các khu vực gần hai địa cực của trái đất.
Hiện tượng này đẹp nhất vào ban đêm, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Mặc dù hiện tượng này rất hiếm khi xuất hiện nhưng tại Cuba đã từng quan sát thấy Aurora Borealis (Ánh sáng phương Bắc) vào mùa Hè năm 1859, tháng 9/1872 và tháng 3/1989 khi một cơn bão mặt trời lớn ảnh hưởng đến Trái đất.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), một cơn bão địa từ (hay còn gọi là bão mặt trời) cực mạnh hiếm gặp đã tràn qua Trái Đất vào chiều 10/5 theo giờ địa phương, sớm hơn nhiều giờ so với dự đoán.
Hiệu ứng này sẽ kéo dài đến hết cuối tuần và có thể kéo dài đến tuần sau.
Lần đầu tiên được ghi nhận trong gần 20 năm trở lại đây, bão địa từ G5 - cấp độ mạnh nhất trong thang gồm 5 cấp, đã giải phóng cực quang ở một số khu vực và làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc và lưới điện./.