Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả người dân trên thế giới sẽ nghèo hơn.
Lòng sông Ganges ở Prayagraj, Ấn Độ khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố, tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Nghiên cứu trên ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Chuyên gia nghiên cứu dữ liệu khí hậu Leonie Wenz của PIK cho rằng người dân trên thế giới nghèo hơn vì biến đổi khí hậu.

Chi phí cho bảo vệ khí hậu thấp hơn nhiều so với thiệt hại này. Ước tính, chi phí dành cho các biện pháp nhằm giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, sẽ là khoảng 6.000 tỷ USD, tức là chưa bằng 1/6 tổn thất kinh tế nếu nhiệt độ ấm lên vượt mức 2 độ C.

Theo báo cáo của PIK, hầu hết các nền kinh tế đều sẽ chịu tổn hại do biến đổi khí hậu, trong đó các nước nghèo, nước đang phát triển chịu tác động mạnh nhất.

Bên cạnh việc chi tiêu quá ít cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các chính phủ cũng chi chưa đủ mức cần thiết cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của PIK ước tính mức độ thiệt hại dựa trên những xu hướng nhiệt độ và lượng mưa đã được tính toán nhưng không tính đến các hiện tượng cực đoan thời tiết hoặc các thảm họa khác liên quan đến khí hậu như cháy rừng hoặc nước biển dâng.

Báo cáo cũng mới dựa trên lượng khí thải đã được thải ra dù lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng kỷ lục.

Trong nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa cho hơn 1.600 khu vực trong 40 năm qua, và xem xét sự kiện nào trong số này gây tổn thất.

Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng các kết quả đánh giá thiệt hại này cùng với các mô hình dự báo khí hậu để ước tính thiệt hại trong tương lai.

Khí thải bốc lên từ một nhà máy điện ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu lượng khí thải ra tiếp tục như mức hiện nay và nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ ấm lên vượt mức 4 độ C, ước tính thiệt hại kinh tế thế giới sau năm 2050 sẽ dẫn tới 60% thiệt hại thu nhập vào năm 2100.

Nếu mức nhiệt độ tăng lên trên thế giới được giới hạn ở mức 2 độ C, thì tỷ lệ này là 20%.

Trong khi đó, một báo cáo mới cho thấy châu Âu sẽ cần đầu tư 800 tỷ euro (868 tỷ USD) vào riêng cơ sở hạ tầng năng lượng vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và duy trì tính cạnh tranh của ngành.

Tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu (ERT), một nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng ở Brussels, cho biết mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là giảm và đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, điều sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào lưới điện, cơ sở lưu trữ năng lượng và thu hồi carbon.

Khoản đầu tư 800 tỷ euro là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu năm 2030, song khối này cần tổng cộng 2.500 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh vào năm 2050 và duy trì hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu của ERT, ông Dimitri Papalexopoulos, cho biết các biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân cần thiết vẫn chưa có. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết vấn đề này một cách khẩn cấp.

Từ năm 2010 đến năm 2018, tổng vốn đầu tư vào lưới điện ở các nước EU đạt khoảng 32 tỷ euro.

ERT cho biết thêm nếu nguồn tài chính vẫn ở mức đó cho đến năm 2050 thì mức chênh lệch giữa số vốn đầu tư và số tiền cần thiết sẽ là 60%.

Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn nguồn từ các cơ quan công nghiệp hàng đầu cho hay những khoản đầu tư lớn như vậy không thể chỉ do khu vực tư nhân gánh vác nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ.

Giám đốc Marco Mensink của Hội đồng công nghiệp hóa chất châu Âu (Cefic) cho biết các doanh nghiệp EU vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2008, do nhu cầu không ổn định sau đại dịch, nạn quan liêu và cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine gây ra, đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục.

Các tổ chức của EU đã ước tính rằng khối này cần hàng trăm tỷ USD đầu tư bổ sung để thực hiện chương trình nghị sự xanh, hầu hết trong số đó cần phải là vốn tư nhân.

Trong tháng 2/2024, gần 1.000 cơ quan và công ty công nghiệp EU đã ký một tuyên bố nêu rõ nhu cầu cấp thiết về sự minh bạch, khả năng dự đoán và niềm tin vào châu Âu cũng như chính sách công nghiệp của khu vực này.

Tuyên bố này cũng kêu gọi quỹ phục hồi hậu đại dịch trị giá 800 tỷ euro của EU cần được đưa vào hoạt động để tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm thu hồi và lưu trữ carbon “càng sớm càng tốt.”

Tổng thư ký của Hiệp hội Điện lực châu Âu (Eurelectric), ông Kristian Ruby, cho biết những thách thức an ninh mới mà châu Âu phải đối mặt cũng có tác động đến việc tìm kiếm nguyên liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

Hệ thống thu hồi và lưu trữ carbon trên giàn khoan dầu Enping 15-1 ở ngoài khơi cách Thâm Quyến (Trung Quốc) 200km về phía Tây Nam ngày 1/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tháng 11/2024 tại Baku, Azerbaijan.

Đây là thời hạn cuối cùng để các nước thống nhất một mục tiêu mới về số tiền mà các nước công nghiệp hóa giàu có phải trả cho những quốc gia nghèo hơn, nhằm giúp những nước này đối phó các tác động nghiêm trọng nhất của quá trình nóng lên toàn cầu.

Với chi phí ngày càng tăng do các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán và mực nước biển dâng cao, mục tiêu tài chính khí hậu mới dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với cam kết hiện tại là các nước giàu sẽ chi 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 - một mục tiêu mà họ không thể đáp ứng đúng hạn.

Các quốc gia phải quyết định tại Baku liệu mục tiêu tài chính khí hậu mới sẽ chỉ bao gồm tài trợ công, hay thu hút thêm khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế để cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của các quốc gia đang phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết nhu cầu đầu tư khí hậu thực tế của các quốc gia nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển và đạt được "công bằng về khí hậu."

Theo ông Guterres, các mục tiêu phát triển bền vững đang "mờ dần" khi hàng triệu người trong khu vực phải chịu cảnh nghèo đói, và các nước Mỹ Latinh cần được giảm bớt gánh nặng nợ nần để có thể hành động chống đói nghèo.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi "đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đe dọa đến sự tồn tại của các đảo quốc nhỏ đang phát triển."

Ông Guterres đề nghị tất cả các quốc gia cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Ông khẳng định Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) – chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu – "có trách nhiệm đặc biệt trong việc dẫn dắt những nỗ lực này."

Tổng thư ký Guterres cũng kêu gọi tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hàng năm vào năm 2025 để đảm bảo công bằng về khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục