Biến đổi khí hậu: Mỹ quyết giành lại vị trí "thuyền trưởng"

Ông Biden cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết ông Obama đưa ra.
Biến đổi khí hậu: Mỹ quyết giành lại vị trí "thuyền trưởng" ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, ngày 22/4 vừa qua. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris.

Mục tiêu trên được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức từ vào cuối tháng Tư vừa qua.

Hãng tin Reuters nhận định rằng cam kết này cho thấy chính quyền Joe Biden quyết tâm lấy lại uy tín và vị thế của Mỹ với vai trò là "thuyền trưởng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi những nỗ lực toàn cầu cắt giảm khí thải nhà kính.

Phóng viên TTXVN dẫn nguồn tờ The Hill cho rằng đây là mục tiêu được nhiều người mong đợi. Mục tiêu này vừa định hướng cho chính sách khí hậu của Mỹ trong vài năm tới vừa gửi tín hiệu cho phần còn lại của thế giới về kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Washington quyết liệt như thế nào.

Mục tiêu trên có tên gọi "Nationally Determined Contribution" (NDC-Đóng góp quốc gia tự quyết định), đang được thực hiện như một phần của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và sẽ chính thức được đệ trình lên Liên hợp quốc. Mục tiêu này tiếp nối mục tiêu của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama về việc giảm lượng khí thải từ 26-28% vào năm 2025 so với mức năm 2005.

Tại hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 40 nước trên thế giới bao gồm những nước gây phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận mục tiêu mới của Mỹ mang tính chất "thay đổi cuộc chơi."

[Hội nghị khí hậu thế giới: Mỹ kêu gọi thế giới hành động nhiều hơn]

Ngoài Mỹ, các đồng minh như Anh, Nhật Bản và Canada cũng nâng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính của mình. Bà Kate Blagojevic, người đứng đầu bộ phận khí hậu thuộc tổ chức Greenpeace của Anh, cảnh báo: "Việc đưa ra quá nhiều mục tiêu sẽ chẳng giúp ích gì cho nỗ lực cắt giảm khí thải. Bởi nỗ lực này đòi hỏi cần phải triển khai chính sách trên thực tế và vốn đầu tư. Đó chính là lý do vì sao cả thế giới vẫn đang chệch hướng trong quá trình thực hiện nỗ lực cắt giảm khí thải."

Mỹ củng cố uy tín

Theo Reuters, việc Washington xoay sở như thế nào để đạt được những mục tiêu nói trên sẽ đóng vai trò quyết định trong việc củng cố uy tín của Mỹ trong cuộc chiến chống hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiện đang có những quan ngại nổi lên về việc cam kết của Mỹ tiến tới nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch có thể kéo dài từ chính quyền này sang chính quyền khác.

Gần đây, Biden đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD trong đó có những biện pháp giúp cắt giảm khí thải nhà kính trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, những biện pháp này cần được quốc hội thông qua trước khi được triển khai.

Viện Dầu khí Mỹ tỏ ra thận trọng trước cam kết của Biden, cho rằng chính quyền cần đưa ra những chính sách về giá carbon vốn là bài toán không dễ dàng đối với một số nghị sỹ Mỹ.

Mặc dù vậy, Reuters cho rằng việc Mỹ tổ chức sự kiện này cho thấy Washington "đã trở lại." Hội nghị do Mỹ tổ chức diễn ra đầu tiên trong hàng loạt hội nghị khác quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới như G7 và G20 đồng thời cũng diễn ra trước hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra tại Scotland vào tháng 11 tới.

Các lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đều cảm thấy trấn an khi Washington quay trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đài RFI dẫn phóng viên Anne Corpet của đài này đưa tin từ Washington bình luận: "Giờ đây ông Biden muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều đó, Tổng thống Mỹ phải lấy lại lòng tin của các đối tác trên trường quốc tế với những cam kết cụ thể đồng thời cũng phải thuyết phục được người dân Mỹ."

Biến đổi khí hậu: Mỹ quyết giành lại vị trí "thuyền trưởng" ảnh 2Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên trên, bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ có được lời hứa từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Ông Biden muốn nước Mỹ lấy lại được uy tín đã mất dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, trong lĩnh vực chống lại tình trạng khí hậu bị hâm nóng.

Bệnh cũ tái phát?

Mặc dù Mỹ và đồng minh cùng một vài nước đã cam kết tăng mục tiêu cắt giảm khí thải, song đa phần các nước vẫn "dậm chân tại chỗ" về mục tiêu của mình. Khi không đả động gì đến các mục tiêu cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ nói chung chung rằng Trung Quốc dự kiến lượng khí thải nhà kính của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và Bắc Kinh sẽ đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060.

Bình luận về thái độ của Bắc Kinh, một bản tin khác của RFI dẫn nhận định của kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc nhận lời mời tham gia thượng đỉnh là một dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chính sách khí hậu của Bắc Kinh hiện đang trong tình trạng hoàn toàn không rõ ràng, thậm chí đầy mâu thuẫn. Trước đây, hồi tháng 9/2020, tại Đại hội đồng thường niên của Liên hợp quốc, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2060.

Về phía Moskva, Reuters nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất cần tạo những chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Thế nhưng, Putin cũng ám chỉ Mỹ lâu nay là nước gây ô nhiễm khí thải lớn nhất thế giới. Ông nói: "Mọi việc đã rõ như ban ngày khi có những điều kiện thúc đẩy tình trạng ấm lên toàn cầu và những vấn đề liên quan đã quay trở lại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục