Biến đổi khí hậu sẽ làm nước Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD trong vòng 25 năm tới. Đây là kết luận trong công trình nghiên cứu mang tên "Rủi ro kinh tế" do một nhóm các nhà kinh tế, tài chính, môi trường học..., đứng đầu là cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg được công bố ngày 24/6.
Theo báo cáo, thiệt hại tài sản do các trận bão lớn ước tính sẽ lên tới 35 tỷ USD, thu hoạch nông nghiệp giảm 14% sẽ làm nông dân thất thu hàng tỷ USD, nhu cầu sử dụng điện để chống nóng sẽ làm chi phí điện tiêu dùng tăng lên đến mức 12 tỷ USD/năm.
Đáng quan ngại hơn, đây chỉ là một vài trong số những thiệt hại kinh tế mà nhóm chuyên gia trên nêu ra, điều này có nghĩa các thiệt hại được liệt kê mới chỉ ở mức khởi điểm.
Báo cáo đã phác họa một kịch bản khá u ám đối với kinh tế Mỹ do chịu tác động từ thay đổi khí hậu, từ việc mực nước biển dâng cao, nhiệt độ ngày càng nóng hơn sẽ làm giảm năng suất lao động, lưới điện quá tải và tăng số người chết.
Theo báo cáo, đến giữa thế kỷ này, lượng tài sản trị giá từ 66-106 tỷ USD có nguy cơ nằm dưới bề mặt nước biển. Nếu không có biện pháp giải quyết, đến năm 2100, con số này sẽ lên tới 700 tỷ USD với mức thiệt hại trung bình hàng năm do mực nước biển dâng cap từ 42-108 tỷ USD dọc theo khu vực bờ viển Vịnh Mexico và Eastern Seaboard.
Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao, đặc biệt ở Tây Nam, Đông Nam và Thượng Midwest, sẽ làm giảm năng suất lao động do con người không thể làm các công việc ngoài trời trong thời tiết quá nóng.
Nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh do mọi người sẽ sử dụng máy điều hòa để làm lạnh không khí, gây ra tình trạng quá tải đối với hoạt động truyền tải điện. Điều này đòi hỏi chính phủ nâng công suất phát điện lên 95 gigawatts, tương đương với việc xây dựng thêm 200 nhà máy nhiệt điện hoặc phát điện bằng khí đốt cỡ trung, trong vòng từ 5 đến 25 năm tới. Việc xây dựng này sẽ ngốn khoản ngân sách từ 8,5-30 tỷ USD/năm.
Báo cáo - được đánh giá là công trình nghiên cứu chi tiết nhất từ trước tới nay về thiệt hại kinh tế do thay đổi khí hậu - được công bố ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ thị cho các nhà hoạch định thực thi những biện pháp triệt để nhất nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có cả việc yêu cầu các nhà máy điện đến năm 2030 giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống dưới mức 30% của năm 2005./.