Biến đổi khí hậu làm cây cối phát triển nhanh hơn

NASA cho biết trong một thế giới có gấp đôi lượng cácbon dioxit cần thiết trong khí quyển như hiện nay, cây cối sẽ lớn nhanh hơn.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hồi tuần trước cho biết trong một thế giới có gấp đôi lượng cácbon dioxit cần thiết trong khí quyển như hiện nay, cây cối sẽ lớn nhanh hơn và tạo ra nhiều tác động “làm mát” mạnh hơn đối với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tuy nhiên cơ quan này cho rằng việc trồng nhiều cây lại không thể chặn đứng hay đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu.

Một trong số những cái khó mà các nhà khoa học phải đối mặt là làm sao để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là làm sao để phản ứng với tình trạng nhiệt độ Trái Đất đang ấm lên, một hiện tượng được gọi là cài "số lùi" cho Trái Đất.

Lâu nay, người ta vẫn biết rằng trồng cây - vốn sử dụng cácbon dioxit, ánh nắng mặt trời và nước để sinh trưởng thông qua quá trình quang hợp - có thể hấp thụ lượng cácbon cao hơn bằng cách hút nhiều dinh dưỡng hơn và sinh trưởng tốt hơn.

NASA cho rằng quá trình thay đổi của cây để phù hợp với lượng cácbon ngày càng lớn kiểu này được gọi là "thích nghi tự nhiên," theo đó lá cây tăng trưởng mạnh hơn, tán rộng hơn để thu hút nhiều ánh nắng mặt trời và hấp thụ cácbon dioxit tốt hơn.

Tuy nhiên, NASA thừa nhận là rất khó mô hình hóa tác động từ sự tăng trưởng mạnh hơn của cây đối với trình trạng Trái Đất ấm lên.

Nỗ lực mô hình hóa trên máy tính của NASA - được mô tả trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 7/12 - bước đầu đã tính toán được những tác động “làm mát” của cây, theo đó với cách thức “thích nghi tự nhiên” của cây trên toàn cầu nền nhiệt độ Trái Đất có thể giảm đi 0,3 độ C.

Tuy nhiên, NASA cho rằng với tình trạng như hiện nay, quá trình “đẩy lùi” biến đổi khí hậu là rất khó thực hiện vì khả năng “làm mát” của cây diễn tiến chậm hơn so với tốc độ nóng lên toàn cầu.

Dẫu sao, nghiên cứu mới nhất này cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới rằng các nhà khoa học có thể tạo ra các mô hình phức tạp hơn để mô phỏng quá trình phức tạp của biến đổi khí hậu và cho phép tính toán một cách chính xác tương lai của khí hậu.

Ông Forrest Hall - đồng tác giả công trình mô phỏng này - thuộc Đại học Maryland-Baltimore County (Mỹ) cho biết quá trình phân tính và đánh giá chính xác hơn sẽ giúp công tác nghiên cứu giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao hơn./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục