Nhiệt độ nước ở tầng thấp của các đại dương đã không gia tăng trong một thập kỷ qua là thông tin được đưa ra trong nghiên cứu khoa học mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Kết quả này đã đặt ra những dấu hỏi về nguyên nhân khiến tốc độ Trái Đất nóng lên chậm lại mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng nhanh trong những năm gần đây.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm Jet Propulsion thuộc NASA đã tiến hành phân tích dữ liệu thu được từ vệ tinh và các thiết bị đo trực tiếp nhiệt độ của các đại dương trong giai đoạn 2005-2013.
Kết quả cho thấy nhiệt độ nước biển ở độ sâu dưới gần 2.000 mét không tăng lên, trong khi mực nước biển tiếp tục dâng cao do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Cũng theo NASA, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất trong những năm đầu thế kỷ 21 đã ngừng tăng, mặc dù lượng carbon gây hiệu ứng nhà kính được thải ra bầu khí quyển tiếp tục gia tăng.
Chuyên gia Josh Willis, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định nhiệt độ ở đáy đại dương không tăng bất chấp biến đổi khí hậu có thể một phần do hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina.
Theo ông, kết quả nghiên cứu này đã đặt ra một bài toán khó cho giới khoa học về mối liên hệ giữa hiện tượng nước biển ấm lên và biến đổi khí hậu. Nhóm chuyên gia NASA đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra lời giải cho vấn đề này.
Theo một nghiên cứu khác công bố cách đây hai tháng trên tạp chí Khoa học, quá trình nóng lên toàn cầu chậm lại trông thấy trong 15 năm qua có thể là do hiện tượng hấp thụ nhiệt ở các vùng nước lạnh dưới đáy các đại dương./.