Biến đổi khí hậu khiến loài voi mamút tuyệt chủng

Biến đổi khí hậu trên Trái Đất là một nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của loài voi mamút lông mịn cách đây hàng trăm nghìn năm.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Anh ngày 11/9, biến đổi khí hậu trên Trái Đất là một nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của loài voi mamút lông mịn cách đây hàng trăm nghìn năm.

Các nhà khoa học người Anh và Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu ADN từ 88 mẫu xương, răng và ngà voi mamút và lập sơ đồ phả hệ của voi mamút từng sinh sống rộng khắp tại khu vực phía bắc đại lục Âu-Á và Bắc Mỹ trong khoảng 200.000 năm.

Theo nghiên cứu, có hai giai đoạn xuất hiện sự thay đổi lớn về số lượng voi mamút và cả hai giai đoạn này đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai kỷ Băng Hà. Thời kỳ khí hậu ấm nóng từ 120.000 năm trước được cho là nguyên nhân khiến số lượng voi mamút giảm, và làm tuyệt chủng một loại voi mamút ở Tây Âu.

Sau đó, khi thời kỷ băng giá Pleistocene cuối cùng quay trở lại kéo dài 100.000 năm, voi mamút trở thành "chúa tể" thống trị phía Bắc do thích nghi tốt với việc sinh sống trên vùng thảo nguyên khô cằn và giá lạnh. Chúng thống trị các khu vực từ Tây Âu tới phía Bắc của Bắc Mỹ, cách đại lục Âu-Á bởi một cây cầu băng qua eo biển Bering.

Khi nhiệt độ tăng dần một lần nữa, số lượng voi mamút lại giảm và loài này một lần nữa bị thu hẹp môi trường sống quen thuộc. Sau thời kỳ này là sự biến mất đầy bí ấn của loài voi mamút.

Trước đây đã từng có những nghiên cứu về nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của voi mamút, trong đó có đề cập tới biến đổi khí hậu là nguyên nhân đẩy loài thú tiền sử này tới bờ vực tuyệt chủng, sau đó do bị loài người săn bắn nên loài voi mamút lông mịn tuyệt chủng hẳn. Tuy nhiên, lập luận này chưa hoàn toàn chính xác. Săn bắn của con người có thể không phải nguyên nhân gây tuyệt chủng voi mamút khi trong kỷ Băng Hà trước, voi mamút đã có thể đào những hang trú ẩn cách xa với môi trường sống và sự săn bắn của loài người.

Ông Love Dalen thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Thụy Điển cho rằng chính những đợt khí hậu ấm nóng đã khiến voi mamút dần biến mất, song để tìm ra nguyên nhân thực sự, cần điều tra thêm về nơi sinh sống cuối cùng của loài này khi chúng còn tồn tại.

Ông Ian Barnes, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Royal Holloway London, Anh, cho rằng nơi trú ẩn cuối cùng của voi mamút có thể là đảo St. Paul ngoài khơi Alaska và đảo Wrangel ở Bắc Băng Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục