Trang mạng project-syndicate.org đưa tin, người ta thường nói rằng không ai thắng trong một cuộc chiến, chỉ là một số thua ít hơn những người khác.
Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Rõ ràng đã có một kẻ thất bại: hành tinh của chúng ta.
Cuộc xung đột này đã gây ra một cuộc tranh giành toàn cầu để có đủ nguồn cung cấp năng lượng nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga và khả năng Nga sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng.
Nhiều quốc gia nhận thấy rằng con đường dễ dàng và nhanh chóng nhất là kiểm soát nhiên liệu hóa thạch thải ra khí nhà kính.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi Tổng thống Putin phát động cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn đang thất thế. Thật khó để tạo ra bất kỳ cảm giác cấp bách nào về một vấn đề được nhiều người coi là có thật nhưng có thể được giải quyết trong tương lai. Nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu và các nơi khác, hạn hán, cháy rừng, bão lũ dữ dội hơn và di cư gia tăng có thể thay đổi nhận thức này, nhưng cho đến nay, điều đó đã không xảy ra.
[Đức: Nhiệt độ tiếp tục tăng trong ngày 20/7, nhiều nơi lên tới 40 độ C]
Hơn nữa, bất kỳ chính phủ nào hành động một mình sẽ không giải quyết được vấn đề. Do đó, ở nhiều quốc gia có quan niệm cho rằng làm điều đúng sẽ không có tác dụng, bởi vì những người khác sẽ tiếp tục làm điều sai trái và tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Sau đó, có một câu hỏi nổi lên, thường được nghe thấy nhiều nhất ở các nước đang phát triển: "Tại sao chúng ta nên làm điều đúng đắn khi chúng ta không gây ra vấn đề?."
Các nước nghèo đang bị các nước giàu (những nước đã tiến hành công nghiệp hóa vào thời điểm mà các vấn đề khí hậu không được coi trọng và đang phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải carbon cao hơn nhiều trong lịch sử) yêu cầu phát triển theo phương thức không được sử dụng dạng năng lượng rẻ, họ đã bác bỏ yêu cầu này và coi đó là áp dụng tiêu chuẩn kép.
Thêm vào đó, một số quốc gia (đặc biệt là Brazil) đang không làm những gì có thể để ngăn chặn sự tàn phá rừng nhiệt đới - hệ thống khử carbon tự nhiên của trái đất. Nói về tiêu chuẩn kép, các nỗ lực quốc tế nhằm làm chậm biến đổi khí hậu bị cản trở bởi sự phản đối việc phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân, mặc dù năng lượng này không thải carbon dioxide vào khí quyển.
Kể từ sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, việc vận hành các lò phản ứng hạt nhân hiện có hoặc xây dựng các nhà máy mới an toàn hơn đã trở thành 1 cuộc chiến chính trị cam go.
Các nỗ lực nhằm làm chậm biến đổi khí hậu gặp khó khăn do quan điểm cho rằng nỗ lực này phải trả giá bằng việc làm và tăng trưởng kinh tế. Điều này ngày càng sai sự thật: Chính biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại tốn kém, trong khi các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch có thể tạo ra việc làm và giảm chi phí năng lượng theo thời gian. Tuy nhiên, sự phản kháng đối với giải pháp này rất gay gắt, đặc biệt là ở những khu vực lâu nay phụ thuộc vào việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Vì tất cả những lý do này, các nỗ lực quốc tế nhằm làm chậm tốc độ ấm lên toàn cầu đã đạt được rất ít kết quả. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lại triệu tập vào tháng 11 này (tại Ai Cập) trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tiếp theo (COP27) nhưng không có lý do gì để lạc quan rằng cuộc họp này sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn so với 26 cuộc họp trước đó.
Mỹ - theo truyền thống là nước đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu - ngày càng bị gạt sang một bên. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris năm 2015, trong khi người kế nhiệm của ông là Tổng thống Joe Biden ngày càng bị hạn chế khả năng vì Quốc hội (trên hết là các thành viên Đảng Cộng hòa) sẽ không trợ cấp cho việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, Tòa án Tối cao đã cắt giảm mạnh thẩm quyền của chính phủ liên bang trong việc điều chỉnh lượng khí thải CO2.
Cũng có rất ít hoặc không có sự ủng hộ chính trị nào đối với việc đánh thuế khí thải hoặc tham gia các hiệp định thương mại không khuyến khích tiêu thụ than hoặc dầu mỏ bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm sử dụng nhiều các loại hình năng lượng này.
Kết quả là nhiệt độ bề mặt Trái đất ước tính cao hơn 1,1º C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và sẽ ấm hơn do các hoạt động trước đó, ngay cả khi thế giới ngừng thải khí nhà kính ngay lập tức - một điều rõ ràng sẽ không xảy ra. Ngược lại, xu hướng hiện tại của chúng ta đang dẫn đến tình trạng khí hậu ấm hơn nhiều, ảnh hưởng đến các tảng băng, rừng nhiệt đới và lãnh nguyên.
Vẫn còn có hy vọng cải thiện tình hình nhưng phần lớn không phải do nỗ lực của chính phủ, dù là đơn lẻ hay có sự phối hợp. Các nhà lãnh đạo chính trị khó có thể hành động ở quy mô tương xứng với vấn đề phát sinh cho đến khi quá muộn.
Một lĩnh vực có tiềm năng đạt được tiến bộ là các tập đoàn, những nơi có thể đưa ra ưu đãi tài chính đối với các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu hơn. Chính quyền địa phương và quốc gia có thể làm tăng lợi ích của các công ty khi thực hiện giải pháp này bằng cách ban hành các quy định khuyến khích đầu tư vào đổi mới.
Lĩnh vực thứ hai có thể mang lại thay đổi tích cực là điều chỉnh thích ứng. Các chính phủ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp quản lý các tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lũ lụt, và các tổ chức tài chính có thể sử dụng các chính sách cho vay và bảo hiểm để ngăn cản người dân xây nhà ở những khu vực dễ xảy ra lũ lụt hoặc hỏa hoạn.
Hy vọng lạc quan nhất để vượt qua biến đổi khí hậu có thể đến từ công nghệ, chủ yếu là những công nghệ cho phép chúng ta ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược biến đổi khí hậu, cho dù bằng cách loại bỏ một số carbon trong khí quyển hoặc bằng cách đưa các phần tử phản chiếu vào khí quyển để giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới Trái Đất. Việc phát triển những công nghệ như vậy cần phải được ưu tiên.
Có một tiền lệ gần đây cho một nỗ lực như vậy dịch COVID-19. Mặc dù con số tử vong trên toàn cầu do đại dịch này vào khoảng 15-18 triệu người, nhưng điều đã cứu chúng ta khỏi một thảm họa lớn hơn là việc chính phủ và doanh nghiệp hợp tác với nhau để phát triển một thế hệ vaccine hiệu quả cao mới trong thời gian kỷ lục. Với biến đổi khí hậu cũng vậy, chúng ta sẽ phải dựa vào khoa học vật lý nhiều hơn là khoa học chính trị để tự cứu chính mình./.