Biến đổi khí hậu có thể khiến dải xích đạo không còn dân cư

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu có thể khiến dải xích đạo hoàn toàn không còn dân cư, trong khi các khu vực mát mẻ có nguy cơ quá tải dẫn đến bùng phát nhiều dịch bệnh, xung đột tài nguyên và các tệ nạn.
Động vật chết khô bên bờ sông Umfolozi ở phía tây bắc Durban, Nam Phi, do hạn hán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai nhà khoa học Mỹ là giáo sư Chính sách công Solomon Hsiang của Đại học California-Berkeley và giáo sư Vật lý ứng dụng Adam Sobel của Đại học Columbia mới đây đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ giảm dân số do di dân tại Mexico, Trung Mỹ, châu Phi, Ấn Độ và các khu vực nhiệt đới khác trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học này, khi nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng thêm 2 độ C, loài người cùng các động vật và thảm thực vật sẽ phải “di dời” hàng trăm km khỏi những nơi sinh sống hiện tại.

Cần nhớ rằng trong giới khoa học, dự báo nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng 2 độ C trong thế kỷ này vẫn được coi là “lạc quan” so với đa số các dự báo khác.

Trong công trình mới đăng tải trên tạp chí Scientific Reports, Giáo sư Sobel nhận định: “Chúng tôi không đưa ra dự báo về sự di cư của từng loài cụ thể, mà chỉ nói rằng sự căng thẳng địa vật lý sẽ khiến khi nhiệt độ càng tăng, dân cư càng có xu hướng rời bỏ các vùng nhiệt đới, thậm chí tới mức có thể di tản hoàn toàn khỏi dải xích đạo”.

Hai nhà khoa học trên ước tính với mức tăng nhiệt độ trung bình 2 độ C thì nhiều cộng đồng dân cư tại cả các vùng ven biển lẫn trong lục địa nơi gần xích đạo sẽ phải di cư tới 1.600km để duy trì cuộc sống.

Các khu vực nhiệt đới có khí hậu mát mẻ có nguy cơ quá tải. Mật độ dân số cao cũng dễ dẫn tới nguy cơ bùng nổ về bệnh dịch, xung đột tài nguyên, cùng nhiều tệ nạn phức tạp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục