Ngắm nhìn những bức ảnh cũ khi hóa thân thành nhân vật trong những vở ballet kinh điển như “Kẹp hạt dẻ,” “Hồ thiên nga”…, biên đạo múa Tuyết Minh (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) bật cười một mình. Ngày ấy, cô bé Tuyết Minh, vốn có thân hình mũm mĩm, nuôi một ước mơ cháy bỏng là trở thành vũ công ballet.
Vóc dáng không được mảnh mai, Minh luôn phải đứng cuối hàng mỗi khi diễn. Không cam chịu, cô bé đã nỗ lực hết mình để hiện thực giấc mơ đứng dưới ánh sáng rực rỡ ở trung tâm sân khấu....
Đổ máu trên sàn diễn
Tuyết Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật. Bố mẹ của chị là cặp nghệ sỹ tuồng nổi tiếng Văn Mợi-Kim Oanh. Tuổi thơ ở khu văn công Mai Dịch đã nuôi dưỡng tâm hồn và nhen nhóm ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong Tuyết Minh.
“Ký ức tuổi thơ tôi là những lần nhòm qua cửa sổ, ngắm nhìn các cô chú nghệ sỹ múa tập luyện, là những chuyến đi diễn cùng bố mẹ ở khắp mọi miền đất nước. Hồi ấy, mỗi lần đoàn tuồng về diễn là người dân tập trung ở sân vận động, sân hợp tác xã rất đông. Khán giả yêu quý lắm, lúc thì dúi cho tôi cái bánh, cái kẹo, lúc thì một món đồ chơi. Lúc đó, tôi đã ước mong trở thành nghệ sỹ như bố mẹ,” Tuyết Minh tâm sự.
Sau 8 năm học múa, Tuyết Minh đã hiểu ra rằng con đường trở thành nghệ sỹ không hề ngọt ngào như chiếc kẹo ngày ấy, đặc biệt là khi chị chọn ballet.
Khi bắt đầu thi tuyển, Tuyết Minh có vóc dáng mũm mĩm không hề phù hợp với một diễn viên ballet nhưng ánh mắt kiên định, thông minh và phần thể hiện “múa tuồng” đã thuyết phục được các thầy cô trường múa.
Từ đó, Tuyết Minh đã nỗ lực tập luyện vất vả hơn các bạn khác nhiều lần. Chị buộc chân mình vào hai bên thành giường để luyện mở khớp háng. Đến khi thành thục động tác xoạc chân của ballet thì hai chân Tuyết Minh tê dại. Động tác di chuyển bằng mũi chân cũng nhiều lần khiến chị đổ máu trên sàn diễn.
Nhìn lại chặng đường của mình, nghệ sỹ Tuyết Minh cho hay chị vô cùng biết ơn những người thầy ở trường múa và cả quá trình theo đuổi sự nghiệp biểu diễn-biên đạo của mình. Đó là cô Song Thủy, thầy Vũ Dương Dũng, biên đạo múa người Pháp Regine Chopinot (Đoàn Ballet Atlantic)…
Nhắc đến họ, Tuyết Minh xúc động: “Cô Song Thủy là giáo viên chủ nhiệm, đã dìu dắt tôi từ những bước đi đầu tiên. Thầy Dũng vừa mất vì ung thư. Tôi nhớ thương thầy vô cùng. Họ là những nhà giáo với trái tim nhân hậu, hết lòng vì học trò. Nếu không có họ thì không có Tuyết Minh ngày hôm nay.”
Với biên đạo múa Regine Chopinot, bà từng rất khắt khe với Tuyết Minh đến mức chị nghĩ rằng bà ghét bỏ mình. Chỉ một động tác giơ tay lên cao, Tuyết Minh tập từ sáng đến quá trưa vẫn không khiến bà hài lòng.
[TP.HCM: Lần đầu tái hiện truyện Kiều bằng ngôn ngữ ballet]
“Tôi cố gắng tạo dáng thật đẹp, thật đúng kỹ thuật nhưng bà vẫn nói chưa đạt. Tôi ấm ức đến bật khóc vì nghĩ rằng bà cố ý gây khó khăn cho mình. Đến khi quá mệt, cánh tay mỏi rã rời, tôi run run đưa lên cao rồi buông thõng xuống thì bà lại bảo được rồi. Sau này tôi mới hiểu thì ra bà muốn tôi múa một cách thật tâm chứ không phải cố gắng ‘diễn’ cho đẹp mà lại thiếu đi cái hồn,” nghệ sỹ Tuyết Minh nhớ lại.
Trưởng thành nhờ sự dìu dắt của những người thầy tâm huyết như vậy nên Tuyết Minh luôn trân trọng nghề múa và tự nhắc mình nỗ lực không ngừng ở cả vai trò nghệ sỹ, giảng viên (Khoa Múa, Đại học Sân khấu Điện ảnh) và biên đạo múa.
Ước mơ đem múa tới nhà ga, bến cảng
Khi đang tỏa sáng trên các sân khấu trong nước và nước ngoài, Tuyết Minh đột ngột lui về phía sau làm biên đạo. Lý do cũng thật đơn giản, chị muốn mang ngôn ngữ của nghệ thuật múa đến với nhiều người hơn.
“Khi lưu diễn ở các nước châu Âu, tôi thấy các đoàn nghệ thuật có thể diễn ở bất cứ đâu, trên bãi biển, nhà ga, sân vận động, bến cảng… và thu hút rất nhiều người xem. Tôi muốn trở thành biên đạo múa, sáng tác những tiết mục có thể trình diễn ở khắp mọi nơi như vậy, để nhiều người được thưởng thức bộ môn nghệ thuật này,” chị chia sẻ.
Từ đó, Tuyết Minh bứt phá mạnh mẽ với vở ballet kinh điển “Carmen,” “Quan âm Thị Kính,” “Chiến thắng mùa hoa đào,” “Bên trong-Bên ngoài,” “Con tạo xoay,” “Mỵ” và gần đây nhất là “Kiều” đều đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ khán giả. Tuyết Minh đã rất sáng tạo và chịu khó để không lặp lại chính mình.
Những tác phẩm của chị vừa có sự mực thước của ballet cổ điển châu Âu vừa mang nét đẹp của nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, xẩm, ca trù… lại có sự đột phá của nghệ thuật múa đương đại.
Những cống hiến của chị đã nhận được sự yêu mến từ khán giả và đồng nghiệp. Bằng chứng là khi Tuyết Minh ra lời kêu gọi các diễn viên, biên đạo múa cả nước tham gia tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” – tác phẩm tái hiện cuộc chiến chống dịch COVID-19, thì chỉ trong 2 giờ đồng hồ, chị đã quy tụ được 150 nghệ sỹ tình nguyện tham gia. Trong số đó có những người là F0, đang trong khu cách ly hoặc đang tham gia công tác tình nguyện ở phía Nam.
Tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" do nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sỹ Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn sẽ được công diễn vào ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
“Nghệ thuật múa rất gần với phụ nữ và nhiều nghệ sỹ múa là phụ nữ, do đó tôi chọn 20 giờ 30 phút ngày 20/10 để chính thức công diễn tác phẩm này trên các nền tảng mạng xã hội. Mong rằng, chúng tôi sẽ góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên để tất cả chúng ta cùng nhau chiến thắng dịch COVID-19,” nghệ sỹ chia sẻ.
“Chúng tôi đã tổ chức ghi hình trong studio và nhiều địa điểm khác nhau như trường học, khu tập thể, hè phố… để khắc họa chân thực những gì đang diễn ra. Khi khán giả theo dõi qua màn hình sẽ có cảm giác đây là một bộ phim-múa thì đúng hơn là một tác phẩm múa,” biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.
Chị cũng tự hào “khoe” rằng tổ khúc múa sẽ khắc họa mọi thành phần xã hội, để ai cũng thấy mình trong đó. Tác phẩm phi lợi nhuận này lấy cảm hứng từ mọi người và được sáng tạo để dành cho mọi người.
“Sau này, chúng tôi sẽ công diễn tác phẩm trên sân khấu, sân vận động hoặc bất kỳ nơi nào có thể, để mọi người đều được thưởng thức nghệ thuật và cùng nhìn lại một chặng đường gian khó nhưng đầy hy vọng này,” chị chia sẻ./.