Một nghiên cứu mới đây cho thấy biến thể Omicron không thể né tránh phản ứng miễn dịch của các tế bào T hay còn gọi là tuyến phòng thủ thứ hai trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.
Bộ phận quan trọng trong tuyến phòng thủ này - các tế bào T - có thể nhận biết và chống lại được biến thể Omicron, do đó ngăn chặn được hầu hết các trường hợp bệnh nhân COVID-19 trở nặng.
Chữ "T" là tên viết tắt của tuyến ức, một bộ phận vốn là nơi diễn ra giai đoạn phát triển cuối cùng của tế bào trong cơ thể con người.
Theo nghiên cứu công bố ngày 29/12, mặc dù Omicron có nhiều đột biến và làm giảm phản ứng miễn dịch của các kháng thể trung hòa, nhưng phần lớn các tế bào T, vốn được tạo ra sau khi tiêm chủng hoặc cơ thể mắc bệnh, lại có phản ứng và nhận dạng chéo được biến thể này.
Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã tiến hành thí nghiệm trong ống nghiệm bằng cách đưa các bản sao của virus SARS-COV-2 tiếp xúc với tế bào T lấy từ những tình nguyện viên đã tiêm vaccine phòng COVID-19 của các hãng Johnson & Johnson và Pfizer/BioNTech, cũng như từ những người chưa được tiêm vaccine, nhưng đã mắc một trong các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2.
[Việc nhiễm Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch trước Delta]
Kết quả cho thấy mặc dù các đột biến của Omicron giúp biến thể này né tránh được các kháng thể vốn được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên trong hệ thống miễn dịch của con người, nhưng phần lớn các tế bào T vẫn tạo ra phản ứng và hạn chế sự xâm nhập của chúng.
Trong khi đó, nghiên cứu khác cho thấy việc tiêm mũi vaccine tăng cường giúp giảm nguy cơ lây lan Omicron trong các hộ gia đình.
Nếu một thành viên trong gia đình bị nhiễm Omicron thì tỷ lệ các thành viên khác đã tiêm chủng có thể bị nhiễm biến thể này cao hơn gấp 3-4 lần so với biến chủng Delta. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ giảm nếu các thành viên tiêm mũi tăng cường.
Qua phân tích dữ liệu truyền bệnh của gần 12.000 hộ gia đình bị nhiễm SARS-COV-2 ở Đan Mạch, trong đó có 2.225 hộ nhiễm biến chủng Omicron, các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng 6.397 ca lây nhiễm thứ phát xuất hiện trong tuần đầu sau khi ghi nhận ca lây nhiễm đầu tiên trong gia đình.
Tỷ lệ lây truyền Omicron ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ trong các hộ gia đình nhiễm biến thể này cao hơn khoảng 2,6 lần so với các gia đình bị nhiễm biến thể Delta.
Nguy cơ mắc bệnh ở những người đã tiêm mũi tăng cường trong gia đình nhiễm biến thể Omicron cao hơn gần 3,7 lần so với các gia đình nhiễm biến thể Delta.
Mặc dù vậy, ở các gia đình nhiễm Omicron, nguy cơ lây nhiễm ở những người đã tiêm mũi tăng cường lại thấp hơn 56% so với những người chưa được tiêm mũi vaccine này.
Nhìn chung, nếu người đã tiêm mũi tăng cường là người đầu tiên bị mắc bệnh trong gia đình thì người này ít có khả năng lây truyền sang các thành viên khác so với những người chưa được tiêm chủng hoặc đã hoàn thành liều tiêm cơ bản chưa được tiêm mũi tăng cường./.