Biếm họa - công cụ chống tham nhũng hiệu quả của báo chí

Biếm họa - công cụ phòng chống tham nhũng hiệu quả của báo chí

Với thủ pháp tạo hình sắc sảo, trào phúng, có tính lôi cuốn đặc biệt, sức lan tỏa rộng… tranh biếm họa có thể tạo áp lực cũng như kỳ vọng cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia chống tham nhũng.
Biếm họa - công cụ phòng chống tham nhũng hiệu quả của báo chí ảnh 1Tác phẩm biếm họa của họa sỹ Lê Phương đoạt giải nhất Cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Sáng 28/10, Trung tâm truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức hội thảo “Tính chiến đấu của biếm họa chống tham nhũng trên báo chí: Thực trạng và giải pháp,” nhằm hỗ trợ hoạt động sáng tác và nâng cao kiến thức về tranh biếm phòng chống tham nhũng của các nhà báo và giới họa sỹ.

Hội thảo là khởi đầu của giai đoạn 2 Cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” do MEC tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình “Sáng kiến phòng chống tham nhũng.”

Ông Mai Phan Lợi, Trưởng Ban Thư ký Cuộc thi cho biết cuộc thi lần đầu tiên đã thu hút khá đông họa sỹ chuyên và không chuyên tham gia.

Phần lớn tranh không có lời bình nhưng có sức khái quát, kết nối sự kiện có thật và thể hiện điều đó một cách dễ hiểu, tạo tiếng cười châm biếm có tính chiến đấu cao.

Đã có 198 bức tranh được đăng tải trên các phương tiện báo chí. Với thủ pháp tạo hình sắc sảo đầy tính trào phúng có tính lôi cuốn đặc biệt, có sức lan tỏa rộng,… những biếm họa này sẽ tạo áp lực, cũng như kỳ vọng cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

Đây là mặt trận mới trong phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên vẫn có một số tác phẩm sai chủ đề, lạm dụng chữ, ý tưởng trừu tượng, quá phức tạp, đơn giản, sơ sài, thật thà, khó hiểu hoặc sử dụng đời tư cá nhân, hình ảnh thật có thể phạm luật… làm giảm tính chiến đấu của biếm họa.

Họa sỹ Lê Phương, vừa giành giải nhất Cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” cho rằng, biếm họa những năm chiến tranh đã có thời kỳ rất phát triển. Hiện nay, biếm họa đã phục hồi và khởi sắc, được công chúng chú ý hơn. Báo chí đã tận dụng được lợi thế của tranh biếm nhiều hơn.

Tuy nhiên, để đạt tầm quốc tế thì biếm họa Việt Nam vẫn còn khoảng cách cả về tạo hình lẫn ý tưởng.

 

Họa sỹ phần lớn là họa sỹ tự do và cộng tác với báo, còn họa sỹ trong biên chế báo rất hiếm.

Vẽ tranh biếm là một nghề vui, nhưng về cuộc sống thực tế lại là một nghề khắc nghiệt vì thu nhập không cao mà đòi hỏi chất xám nhiều. Nếu họa sỹ không thay đổi thủ pháp, ý tưởng thì sẽ dễ nhàm chán và lặp lại chính mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục