Tại buổi làm việc với ông Furuta Hajime, Thống đốc tỉnh Gifu (Nhật Bản) vào ngày 24/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, BIDV mong muốn phối hợp với Nhật Bản trong việc hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch.
Chính vì vậy, trong thời gian qua BIDV đã đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực và làm đầu mối giữa các tỉnh Nghệ An, Bình Định ký hợp tác với tỉnh Gifu.
Hiện BIDV đã có quan hệ với 66 ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản và thường xuyên có 10 chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản làm việc tại BIDV. BIDV đã đứng ra làm đầu mối tổ chức nhiều cuộc đàm phán Việt Nam-Nhật Bản như hội thảo cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nhật Bản, “Hội thảo phát triển tín dụng nông nghiệp bền vững, kinh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ trong hiện đại hóa công nghiệp”.
BIDV sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức “Diễn đàn xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư giữa các tỉnh miền trung Việt Nam và Nhật Bản” dự kiến diễn ra vào tháng Bảy tới.
Kết quả khảo sát của BIDV về lượng khách du lịch của Nhật Bản đến Việt Nam cho thấy, lượng khách đến từ đất nước Mặt Trời mọc đang đứng thứ 3 về số lượng và có tốc độ tăng trưởng đều đặn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Việt Nam chọn Nhật Bản là điểm đến khi du lịch.
Từ những nghiên cứu trên, BIDV mong muốn phối hợp với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng Nhật Bản để hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò là ngân hàng hàng đầu, là cầu nối để Nhật Bản tài trợ vốn ODA cho Việt Nam.
Ông Hà cho biết thêm, BIDV dự kiến dành khoảng 750.000 USD trong giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ quảng bá, makerting, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đại diện phía Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Gifu bày tỏ ấn tượng về việc các đối tác Việt Nam, nhất là BIDV, đã nhanh chóng triển khai các thỏa thuận hợp tác.
Ông Furuta cam kết chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Gifu sẽ ưu tiên hợp tác có hiệu quả với Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt trong những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh là công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện ôtô, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch.
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, Thống đốc tỉnh Gifu cho rằng, kỹ năng sản xuất của Việt Nam không hẳn là kém, nhưng vấn đề chính nằm ở các khâu tiếp theo, đó là gia công chế biến và vận chuyển nông sản để bảo đảm sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng. Vấn đề này Việt Nam cần đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa.
Đối với vấn đề du lịch, theo ông Furuta Hajime, muốn phát triển du lịch, Việt Nam cần phải có giải pháp tổng thể, từ cải thiện hạ tầng, ưu tiên đầu tư có trọng điểm, đến việc hoàn thiện các việc cụ thể như kỹ năng làm du lịch, thái độ tiếp đón, thu hút khách, ẩm thực… để lượng khách quay trở lại và lưu trú dài ngày nhiều hơn. Nhật Bản cũng rất quan tâm đến thị trường du lịch của Việt Nam.
Lãnh đạo BIDV mong muốn, trong thời gian tới tỉnh Gufi tiếp tục hỗ trợ đào tạo với các tỉnh miền Trung, xúc tiến đầu tư nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vì đây là thế mạnh của Nhật Bản. Bên cạnh đó, là một định chế tài chính lớn, BIDV rất mong muốn được kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt được kết nối nhiều hơn với các ngân hàng Nhật Bản.
Tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 29 tỷ USD, chiếm 10% tổng giá trị thương mại và là quốc gia đứng thứ ba có quan hệ thương mại với Việt Nam. Doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chiếm xấp xỉ 14% với tổng giá trị FDI đăng ký đạt trên 38,5 tỷ USD với hơn 2.000 dự án. Đặc biệt, ngoài FDI, Nhật Bản còn rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gần đây là công nghệ cao trong nông nghiệp.
Về ODA, Nhật Bản đã cam kết tài trợ 20 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng số vốn ODA của các nước và các tổ chức quốc tế cam kết cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản đã góp phần cải thiện các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như phát triển nguồn lực, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, môi trường... là những lĩnh vực quan trọng và cấp bách với Việt Nam./.