BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất về quy mô tài sản

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV năm 2019 đạt 10.768 tỷ đồng, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 0,61% và 15,2%...
BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất về quy mô tài sản ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tổng tài sản đạt 1,458 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Tính đến 31/12/2019, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 đạt gần 1,300 triệu tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,099 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành; riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ... Tổng dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.

[BIDV hoàn tất chi trả cổ tức lên tới gần 4.800 tỷ đồng cho hai năm]

Nguồn vốn huy động của BIDV đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1,349 triệu tỷ đồng, tăng 12,2%, trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,168 triệu tỷ đồng, tăng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 0,61% và 15,2%...

Cũng theo báo cáo của BIDV, thị giá cổ phiếu BID tăng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%; BIDV là ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV sau khi có sự tham gia cổ đông chiến lược KEB Hana Bank Hàn Quốc.

Các công ty, liên doanh, liên kết hoạt động ổn định, đóng góp 589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong hiệu quả chung của BIDV.

BIDV cũng đã thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng giá trị gần 4.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng ghi nhận, biểu dương kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu và chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tăng trưởng tích cực; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, ứng dụng giao dịch công nghệ mới, số hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; chủ động, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các địa phương; cùng toàn ngành làm tốt công tác an sinh xã hội...

Đặc biệt việc đàm phán thành công giao dịch có quy mô lớn nhất trong hệ thống với KEB Hana Bank, giúp BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Năm 2020, BIDV đề ra mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%; tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...

BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất về quy mô tài sản ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục