Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.
Theo đó, hoạt động kinh doanh BIDV tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022 theo đúng lộ trình; hoạt động bán lẻ phát triển mạnh theo định hướng, huy động vốn đảm bảo cân đối vốn, tăng trưởng tín dụng cao hơn mức thực hiện cùng kỳ các năm trước, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, các chỉ tiêu hiệu quả đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước...
Tính đến 30/9, BIDV đạt được kết quả kinh doanh tích cực, thể hiện trên nhiều bình diện: Tổng tài sản hợp nhất đạt 2,05 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,3% so với đầu năm.
[Lợi nhuận hợp nhất BIDV đạt 11.084 tỷ đồng, bao phủ nợ xấu đạt 279%]
Dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trưởng ổn định, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và định hướng của BIDV. Đến 30/9, ngân hàng này cho vay khách hàng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm, tốc độ tăng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước; trong đó tăng trưởng tín dụng bán lẻ là 19,6%.
Tổng nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động, tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) tuân thủ hạn mức tối đa 85%. Tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 1,56 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bán lẻ tăng trưởng 4,9%.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn: Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN đến 30/9 là 1,09%, đảm bảo định hướng điều hành; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 222%. BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.
Hiệu quả kinh doanh của BIDV ghi nhận kết quả tích cực: Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 36.943 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.677 tỷ đồng, đạt 85,8% kế hoạch năm.
BIDV cũng đẩy mạnh hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Tài chính Hana với dấu ấn nổi bật nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Hana - Hana Securities (thuộc Tập đoàn tài chính Hana) chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) sau khi đầu tư 65,7 triệu cổ phần BSC. Giao dịch bán chiến lược BSC-Hana Securities là một trong những giao dịch tiêu điểm, minh chứng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, sâu rộng giữa BIDV và Tập đoàn Tài chính Hana.
Với những kết quả đạt được trong 9 tháng, BIDV đã được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá cao: Tổ chức định hạng tín nhiệm Moody’s nâng định hạng nhà phát hành và định hạng tiền gửi (nội tệ/ngoại tệ) từ mức Ba3 lên mức Ba2 và điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ Tích cực sang Ổn định.
Bên cạnh đó, BIDV được vinh danh với các giải thưởng tiêu biểu: Tốp 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín 2022 (Vietnam Report); tốp 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (Forbes Việt Nam); “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2022” và “Ngân hàng lưu ký giám sát tốt nhất Việt Nam 2022”; “Ngân hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp tốt nhất Đông Nam Á năm 2022” và “Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á năm 2022”; “Ngân hàng có sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng tốt nhất Việt Nam” và “Ứng dụng ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam năm 2022” đối với ứng dụng BIDV iBank; “Ngân hàng dẫn đầu về doanh số chấp nhận thanh toán” và “Ngân hàng dẫn đầu về doanh số chi tiêu online nước ngoài” (Master Card)…
Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí./.