Ngày 12/3 tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với sự tham dự của 143 đại biểu, đại diện cho hơn 3,888 triệu cổ phần, chiếm 96,68% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội thống nhất với một số chỉ tiêu kinh doanh của BIDV năm 2021, cụ thể: Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12%-15%; Tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng trưởng 10%-12%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020 phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh; tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020... (các chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở diễn biến mới của dịch COVID-19 và phê duyệt của cấp có thẩm quyền).
[BIDV dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu]
Trong năm 2021, BIDV sẽ nỗ lực duy trì tăng trưởng bền vững, có chất lượng; củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo, chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai mạnh mẽ chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế...
Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó ông Nguyễn Quang Huy là Ủy viên Hội đồng quản trị độc lập...
Với sự bổ sung này, Hội đồng quản trị BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài; 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Ban Kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.
Năm 2020, tổng tài sản của BIDV đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn huy động năm 2020 đạt 1,4 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 9,1%, chiếm 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước giao; tuy nhiên giảm 15,9% so với năm 2019 do BIDV chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm 2020, BIDV thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm. Giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 đạt 193.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam./.