Không cần “lên gân” với những khẩu hiệu, bài học dài dòng, dịch giả Bích Lan thu hút người đối diện bằng những câu chuyện giản dị, lắng đọng về cuộc sống, văn chương và công việc dịch thuật.
Bích Lan bảo, thẳm sâu trong trái tim chị vẫn luôn có một niềm tin rằng, thử thách, sóng gió cuộc đời dù dữ dội đến đâu cũng không bao giờ bằng sức mạnh của con người!
Hành trình đi tìm những vì sao
- Trong cuốn tự truyện “Không gục ngã” của mình cũng như ở những buổi nói chuyện giao lưu với khán giả, Bích Lan thường viện dẫn câu nói của đại văn hào Victor Hugo “Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao.” Điều này có ý nghĩa gì đặc biệt với chị chăng?
Dịch giả Bích Lan: Đây là câu nói mà tôi yêu thích nhất và cũng là câu nói mà tôi cảm thấy đúng với mình nhất. Cuộc đời tôi là hành trình đi tìm những vì sao!
Căn bệnh loạn dưỡng cơ không thể chữa trị ập đến với tôi năm 13 tuổi. Việc học của tôi phải dừng lại giữa chừng khi tôi không thể tự tới lớp, gia đình gặp nhiều khó khăn…
Tuổi 13 nhiều mơ mộng, ước ao nhưng ý chí, nghị lực lại chưa đủ. Khi ấy, tôi thu mình lại rồi nghĩ, mình đã rơi xuống vực sâu tối tăm và mọi cánh cửa cuộc đời đã khép lại. Tôi có thể làm gì chứ khi thường xuyên bị khó thở, mỗi bước đi đều phải có người trợ giúp…
Nhưng rồi, những cuốn sách, câu chuyện đọc được đã cho tôi niềm tin rằng, ở cuối những đường hầm thường có ánh sáng. Tôi quyết tâm đi tìm thứ ánh sáng này.
Cuộc sống dần cân bằng trở lại, tôi tìm lại được niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống từ việc tự học, mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em và dịch sách… Đó chính là những ngôi sao mà tôi thấy rõ nhất trong bầu trời đêm của mình.
- Cuộc sống luôn vận động với những va đập khó lường! Bên cạnh niềm tin vào ánh sáng cuối con đường, chắc hẳn chị còn có điểm tựa tinh thần rất vững chắc?
Dịch giả Bích Lan: Tôi yêu, trân trọng và biết ơn những người trong gia đình mình, đặc biệt là mẹ tôi. Tôi không thể bước nhanh, mỗi bước đi của tôi đều phải có người giúp sức. Nếu không có mẹ, tôi không thể có ngày hôm nay!
Bởi thế, mỗi ngày thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là tìm mọi người trong gia đình!
Ngày ngày, dù phải “vật lộn” với bệnh tật nhưng tôi không bao giờ nghĩ cuộc sống ngắn hay dài mà chỉ tâm niệm: mỗi ngày được sống là vô cùng hạnh phúc. Sống để sửa những lỗi sai của ngày hôm qua và sống để mở ra những cơ hội kết nối tình cảm, yêu thương mới.
Khó khăn sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn! Nói như vậy không có nghĩa là tôi hy vọng những người xung quanh mình cũng phải gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như tôi để có thể trưởng thành. Mỗi người có con đường riêng và khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Vấn đề là đừng bao giờ tuyệt vọng!
Vừa dịch vừa “săn” sách!
- Khi lựa chọn sách để chuyển ngữ, những cuốn sách như thế nào thường tạo được sức hút với chị?
Dịch giả Bích Lan: Thông thường, các dịch giả thường tìm sách theo các bảng, các hạng hoặc lựa chọn những cuốn sách đoạt các giải thưởng. Còn với bản thân tôi, việc cuốn sách đó có nổi tiếng trên thế giới hay không đôi khi không quá quan trọng.
Bích Lan thường chọn dịch những tác phẩm viết về thân phận những người phụ nữ, trẻ em hoặc những cuốn sách thể hiện rõ tính giáo dục.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những cuốn sách mà câu chuyện trong đó liên quan đến Việt Nam, mang tính cảnh báo hoặc khích lệ (dù có thể, về phương diện nghệ thuật biểu hiện, nó không thật xuất sắc). Cuốn “Phật ở tầng áp mái” (tác giả Julie Otsuka) mà tôi chọn dịch gần đây là một ví dụ.
Tác phẩm là câu chuyện về cuộc sống của những người phụ nữ Nhật di cư sang Mỹ đều kể về sự đổi đời, cuộc hôn nhân viên mãn với những người chồng được giới thiệu là các doanh nhân, bác sỹ, luật sư… Nhưng sự thật, đó chỉ là những người nông dân, tá điền làm thuê cho các ông chủ Mỹ. Những câu chuyện tương tự như vậy cũng không phải là hiếm ở Việt Nam.
Thực sự, hàng ngày, tôi vừa làm việc vừa phải “săn” sách. Bây giờ, để tìm được một cuốn sách hay, một tác phẩm văn chương đích thực không hề đơn giản, mặc dù lượng sách được phát hành không hề ít.
Một cuốn sách được gọi là “best-seller” đôi khi không hẳn đã là một cuốn sách hay. Danh hiệu “best-seller” trong trường hợp đó thể hiện việc chạy theo xu hướng đám đông.
- Vậy khi dịch, chị sợ nhất điều gì?
Dịch giả Bích Lan: Tôi sợ nhất việc các nhân vật trong sách phần lớn đều là các giáo sư, tiến sỹ!
Bởi lẽ, khi chuyển ngữ cuốn sách thuộc bất cứ lĩnh vực nào, dịch giả cũng phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Khi phần lớn đều là các giáo sư, tiến sỹ tức là hàm lượng kiến thức chuyên môn rất lớn.
Bên cạnh đó, những câu văn ngắn cũng là một thử thách đối với người dịch: Làm sao để chuyển tải được không chỉ nội dung mà còn cả sắc thái biểu cảm của câu văn từ nguyên gốc sang tiếng Việt trong một số lượng ngôn từ hạn chế?
Càng đọc và dịch nhiều, tôi càng cảm phục các tác giả nước ngoài và thấy băn khoăn về văn học Việt Nam.
- Niềm băn khoăn ấy cụ thể là gì, thưa chị?
Dịch giả Bích Lan: Số lượng những tác phẩm văn học nước ngoài làm rung động trái tim người Việt Nam không ít. Từ các nước xa xôi, các tác phẩm ấy đến và được độc giả Việt Nam nồng nhiệt đón nhận.
Thế nhưng, số lượng tác phẩm văn học Việt Nam làm được điều này, theo tôi, lại không nhiều. Các nhà văn Việt Nam ở đâu trong hành trình chinh phục độc giả Việt ấy? Có bao giờ họ tự vấn về điều này?
- Vậy, theo chị, nguyên nhân là do đâu?
Dịch giả Bích Lan: Nguyên nhân thì có nhiều và không thể nói hết trong một chốc một lát.
Thế nhưng, tôi nghĩ, nhà văn muốn viết hay và lay động lòng người thì trước hết phải có sự tích lũy tri thức và trải nghiệm cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, tại Thái Bình.
Chị là tác giả của cuốn tự truyện “Không gục ngã” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012).
Bích Lan là người chuyển ngữ gần 30 cuốn sách sang tiếng Việt; trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng như: “Triệu phú khu ổ chuột,” “Cuộc sống không giới hạn – Nick Vujicic”…