Bích Câu Đạo quán và mối tình thư sinh-tiên nữ

Bích Câu Đạo quán, người ta vẫn thường nhắc tới chuyện tình duyên giữa chàng thư sinh nhà nghèo là Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều.
Bích Câu là tên một ngòi nước trong xanh như ngọc chảy từ núi Nùng xuống Thủ Lệ rồi đổ vào hồ Tảo Liên - hồ sản sinh ra một loài sen trắng nở vào đầu Hè, trước khi các hoa sen khác nở nên Tảo Liên có ý nghĩa là hoa sen nở sớm. Giữa hồ Tảo Liên có gò Kim Quy rộng mấy trượng trông như bồng lai tiên cảnh.

Truyền rằng, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, một hôm mơ thấy Phật bà Quan Âm mời vua lên đài sen và bẻ tám cành hoa sen trắng ban cho vua. Tỉnh mộng, vua đem chuyện này nói lại cho các quan trong triều và các cao tăng. Các cao tăng thưa rằng hồ Tảo Liên, phường Bích Câu ở cửa thành Nam có loại sen trắng nở sớm, mùi hương rất thơm. Vua sai đem sen đến, thấy giống như trong giấc mộng bèn cho xây ngôi chùa để phụng thờ Quan Âm gọi là chùa Đắc Quốc.

Vùng đất Bích Câu không chỉ là vùng đất Phật mà còn được coi là mảnh đất của chốn "bồng lai tiên cảnh". Đây thực sự là trường hợp hiếm hoi có sự biến đổi từ vùng đất Phật thành nơi có cảnh sắc và những câu chuyện huyền bí mang đậm tính chất của đạo giáo thần tiên. Từ nơi thờ Phật Quan Âm, nơi đây đã trở thành nơi thờ người đi đạo. Nhắc đến Bích Câu Đạo quán, người ta vẫn thường nhắc tới chuyện tình duyên giữa chàng thư sinh nhà nghèo là Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều.

Tú Uyên vốn người thôn Thịnh Quang, cha mất sớm, nhà nghèo nên đến gò Kim Quy, thuộc phường Bích Câu dựng tạm chiếc lều tranh để học. Một hôm đi xem hội chùa Ngọc Hồ (còn gọi là chùa Bà Ngô nay thuộc phường Quốc Tử Giám, Hà Nội), chàng trai nhặt được chiếc lá đỏ dưới cây mẫu đơn, trên đề 4 câu thơ: "Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba/ Xe loan hạ cánh cửa thiền/Cầu Lam chật ních người như kiến/ Ai biết thần tiên trước mặt ta." Chàng đang say sưa nghiền ngẫm bài thơ thì nhác thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời lướt qua cổng chùa, vội vàng gấp bài thơ lại và rảo bước theo nhưng đến đầu đình Quảng Văn thì cô gái biến mất.

Tú Uyên ngơ ngẩn ra về, mất ăn, mất ngủ. Mấy hôm sau anh đến đền Bạch Mã khấn vái, cầu mộng và được thần bảo cho biết cứ đi ra chợ Cầu Đông (Hàng Đường) có thể gặp được người trong mộng, nếu không thấy thì trên đường về gặp gì đầu tiên thì mua nấy.

Đợi đến quá nửa ngày, Tú Uyên chỉ thấy một cụ già bán tranh tố nữ. Xem tranh, thì thấy cô gái trong tranh giống hệt nàng tiên hôm nọ ở Ngọc Hồ, chàng liền mua về, treo ngay cạnh bàn học của mình, ngày đêm ngắm nghía. Ăn cơm, uống nước, Tú Uyên đều sắp ra hai đôi bát đũa, hai chén và mời mọc, trò chuyện với người trong tranh y như người thực.

Một hôm về muộn, đã thấy trên bàn có mâm cơm bày biện sẵn cho mình rồi. Vài lần như vậy, chàng họ Trần bí mật rình xem thì thấy một nàng tiên xinh đẹp dịu hiền trong tranh bước ra. Nàng nhẹ nhàng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị làm cơm cho chân nhân. Tú Uyên từ chỗ nấp vội xuất hiện, nàng tiên không biến đi được nữa đành thú thực mình là tiên nữ Giáng Kiều, vốn có tiền duyên với chàng nên xuống trần cùng nhau kết nghĩa. Từ đó, Giáng kiều ở lại sống với Tú Uyên, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc.

Được ít lâu, Tú Uyên sinh ra lười nhác chỉ rượu chè, bài bạc bỏ cả học hành. Giáng Kiều khuyên can không được, lại bị gắt gỏng, nên tức giận bỏ về trời. Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, buồn bã toan tự tử thì Giáng Kiều lại xuất hiện khuyên can chồng chú tâm học nghề thuốc cứu người. Tú Uyên nghe lời vợ học hành thành đạt, ông đã cứu chữa cho người dân quanh vùng. Một lần nước Nam bị giặc ngoại xâm, đất nước đứng trước cảnh binh đao máu chảy. May nhờ có tài, trị khỏi bệnh cho tướng giặc Trà Toàn nên giặc đã rút quân, đất nước bình yên.

Nhờ công lao này, vua Lê Thánh Tông về sau đã phong tặng “An quốc chân nhân” cho cụ Tú Uyên. Về sau vợ chồng Tú Uyên - Giáng Kiều sinh hạ được một người con trai là Trân Nhân. Vào một ngày trời đẹp, hai vợ chồng từ bỏ cõi trần, cùng nhau cưỡi hạc bay về tiên giới để lại Trân Nhân tiếp nối công đức ở trần gian.

Để tưởng nhớ mối duyên tiên và công lao của cụ Tú Uyên, 7 dòng họ làng An Trạch huyện Vĩnh Thuận tại phía Tây Nam ngoại thành cổ Hà Nội (nay thuộc phường Quốc Tử Giám) đã xây dựng cụm di tích Bích câu đạo quán để thờ tự gồm cả đạo quán Bích Câu và chùa An Quốc. Hàng năm, nhân dân ở đây mở hội tế vào ngày 4/2, ngày thành đạo của tiên ông (Tú Uyên), ngày 3/6 kỷ niệm ngày ngày chân nhân bay về trời và 12/8 là ngày sinh của tiên ông. Sự chuyển biến từ nơi thờ Phật sang thờ Đạo chính là một hiện tượng hiếm gặp trong kiến trúc di tích ở Hà Nội. Nó là minh chứng rõ ràng nhất cho thời kỳ Nho, Phật, Đạo cùng tồn tại trong đời sống tư tưởng của nhân dân.

Hiện nay Bích Câu đạo quán là nơi hoạt động của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội do nghệ sỹ Bạch Vân làm chủ nhiệm duy trì sinh hoạt được 10 năm. Theo ông Trần Văn Trạc thuộc Ban quản lý di tích Bích Câu đạo quán, đạo quán có lịch hàng năm sinh hoạt hát ca trù và hát trầu văn, diễn ra vào tuần giữa tháng và tuần cuối tháng, tối thứ Bảy hàng tuần khoảng 19 giờ 30 đến 23 giờ còn chủ nhật thì diễn ra lúc 9 giờ đến 11 giờ.

Nơi đây thực sự là một di tích tiêu biểu minh chứng cho Đạo giáo thần tiên đã tồn tại trong đời sống người dân Thăng Long và mối tình tiên nữ - người trần chính là một nét đẹp của người dân tôn thờ non sống nước Việt, con người nước Việt qua đó càng thấy tinh thần tự tôn dân tộc của người xưa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục