Bị vỡ nợ, tình hình kinh tế của Puerto Rico ngày một khó khăn

Puerto Rico đã vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, khi chỉ thanh toán được 628.000 USD trong số 58 triệu USD trái phiếu của Công ty tài chính công (PFC) đáo hạn ngày 1/8.
Bị vỡ nợ, tình hình kinh tế của Puerto Rico ngày một khó khăn ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

Puerto Rico đã vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, khi chỉ thanh toán được 628.000 USD trong số 58 triệu USD trái phiếu của Công ty tài chính công (PFC) đáo hạn ngày 1/8 và điều này sẽ khiến Puerto Rico có nguy cơ bị đứng ngoài các thị trường tài chính Mỹ, làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã nghiêm trọng tại vùng lãnh thổ thuộc Mỹ này.

Ông Victor Suarez, một quan chức của Puerto Rico, cho rằng việc Puerto Rico không trả được nợ đối với trái phiếu của PFC là do Puerto Rico cần dành ưu tiên cho những người nắm giữ trái phiếu chính phủ, với số tiền trên 100 triệu USD. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Chính phủ BGF, Melba Acosta, cho rằng quyết định không thực hiện nghĩa vụ trả nợ là do cả vấn đề thanh khoản và sự cần thiết phải duy trì các dịch vụ công cơ bản.

Vụ vỡ nợ tác động chủ yếu đến các chủ nợ là người Puerto Rico, đặc biệt là các khoản tiết kiệm và các khoản vay. Tuy nhiên, một số trái phiếu được phát hành tại thị trường Mỹ và các nhà phân tích cho rằng việc Puerto Rico không thanh toán được nợ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong tương lai của hòn đảo này.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ đã "giáng cấp" trái phiếu của Puerto Rico xuống mức "vô giá trị", khiến khả năng phát hành trái phiếu càng thêm khó khăn hơn.

Số nợ không được thanh toán nói trên của Puerto Rico chỉ là một phần rất nhỏ trong núi nợ 72 tỷ USD mà người đứng đầu Puerto Rico, ông Garcia Padilla Alejandro tuyên bố không thể trả.

Ông Garcia Padilla, hiện đang thương lượng với các chủ nợ, được cho là sẽ công bố một kế hoạch tái cơ cấu nợ vào cuối tháng này. Mục đích của kế hoạch tái cơ cấu nợ, theo ông, là để đưa Puerto Rico thoát khỏi vòng luẩn quẩn của suy giảm kinh tế, di cư, khắc khổ và thuế.

Cuộc khủng hoảng khiến cho cuộc sống của 3,5 triệu dân của Puerto Rico khó khăn hơn. Ở mức 12,4%, tỷ lệ thất nghiệp ở hòn đảo này cao hơn gấp đôi so với ở Mỹ và làn sóng di cư ồ ạt đang khiến Puerto Rico tổn thất về thuế.

Nhà Trắng đã bác bỏ khả năng cứu trợ và trong khi ủng hộ việc mở đường để Puerto Rico xin bảo hộ phá sản để tái cơ cấu nợ như Detroit đã làm, vẫn nói rằng bất kỳ quyết định nào về vấn đề này sẽ phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục