Bị Trung Quốc "điểm huyệt," ngành dầu khí của Mỹ chới với?

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể trả đũa ngành dầu khí Mỹ và tìm mua dầu từ các quốc gia khác, trong đó có Iran, vốn đang tuyệt vọng tìm khách hàng do lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ.
(Nguồn: My Trading Buddy)

Theo Đài TNHK, giới phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ khiến thêm một ngành công nghiệp đang bùng nổ của Mỹ - xuất khẩu dầu khí - chới với.

Trong khi đó, Bắc Kinh có thể chuyển sang mua dầu của Iran khiến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này gặp trở ngại. 

Xuất khẩu dầu của Mỹ đã tăng hơn 4 lần kể từ khi Quốc hội cuối năm 2015 rút lại một lệnh cấm kéo dài 40 năm. Mức tăng trưởng thần tốc của ngành công nghiệp này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ lên mức cao kỷ lục và dẫn tới việc xây dựng những cơ sở xuất khẩu khổng lồ. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu này của Mỹ đang đối diện với nhiều nguy cơ. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada.

Bắc Kinh mới đây đã đe dọa áp thuế lên dầu thô của Mỹ để trả đũa các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump lên hàng hóa Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc áp thuế, xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ tụt giảm, giá dầu nội địa của Mỹ sẽ bị tổn thương và hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng sẽ bị chậm lại.

[Ba tín hiệu từ đòn trả đũa thương mại với Mỹ của Trung Quốc]

Dan Eberhart, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ dầu khí Canary LLC với 400 nhân công, được CNN dẫn lời nói: “Tổng thống Trump có lý về những hành vi lạm dụng giao thương của Trung Quốc, tuy nhiên thuế quan là một trò chơi nguy hiểm vốn có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát."

Theo Eberhart, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến công ty của ông và những công ty dầu khí khác vốn dựa vào các hoạt động khoan dầu để tăng trưởng.

Ông nói thêm: “Những cú đòn ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington sẽ tác động nghiêm trọng đến ngành năng lượng."

Trung Quốc chỉ nhập có 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2017. Abudi Zein, CEO của công ty nghiên cứu ClipperData, cho rằng nếu chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang toàn diện, Trung Quốc “sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có dầu thô."

Theo số liệu thống kê của chính phủ được công bố ngày 1/8, Mỹ xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Cuối năm 2015, con số này là khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Canada là nước nhập khẩu dầu của Mỹ nhiều nhất. Sau Canada, trong năm nay Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Mỹ nhiều hơn gấp đôi so với bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Công ty khai thác dầu Pioneer Natural Resources đã tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu của họ lên khoảng 90.000 thùng một ngày trong quý 1/2018. Mục tiêu của họ là nâng sản lượng xuất khẩu lên 150.000 thùng một ngày vào cuối năm nay.

CEO Timothy Dove phát biểu trong một hội thảo mới đây rằng mục tiêu cuối cùng của công ty là xuất khẩu toàn bộ dầu hoặc đưa tới các cơ sở lọc dầu ở vùng Vịnh Mexico. Ích lợi của việc xuất khẩu dầu là dầu có thể được bán theo giá quốc tế, vốn cao hơn giá Mỹ khoảng 4 USD/thùng.

Sự hấp dẫn của giá cao đã khiến cho công ty Continental Resources, một đối tác chính tại giếng dầu Bakken thuộc bang Bắc Dakota, phải tìm đến thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty vận chuyển, vốn đang lao đao trong những năm gần đây, cũng hưởng lợi từ xu thế xuất khẩu dầu này do nhu cầu những tàu chở dầu khổng lồ để vận chuyển dầu thô.

Các hải cảng trên khắp vùng vịnh của Mỹ cũng đã đổ rất nhiều tiền của nâng cấp cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận những con tàu chở dầu khổng lồ này.

Tháng Bảy vừa qua, cảng Corpus Christi, bang Texas, đã phê chuẩn gói trái phiếu trị giá 217 triệu USD để có tiền trang trải cho việc xây dựng thêm bến bãi và nâng cấp đường sắt và vịnh bốc dỡ hàng để đón đầu nhu cầu xuất khẩu năng lượng tăng vọt.

Các đường ống dẫn cũng được xây dựng để chuyển dầu từ các giếng dầu Bakken và Permian Basin ở Tây Texas đến Vùng Vịnh Mexico, nơi chúng sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.

Các nhà sản xuất Mỹ hy vọng rằng nếu như Mỹ áp thuế lên ngành dầu khí thì họ có thể bù lại bằng cách tìm kiếm thị trường thay thế. Tuy nhiên, Brian Youngberg, một chuyên gia phân tích năng lượng cao cấp của Edward Jones, cảnh báo, “nguy cơ là họ không thể tìm được thị trường khác. Khi đó, dầu sẽ tồn lại ở Vùng Vịnh."

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể trả đũa ngành dầu khí Mỹ và tìm mua dầu từ các quốc gia khác, trong đó có Iran, vốn đang tuyệt vọng tìm khách hàng do lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ. Đây sẽ là một kết cục đáng lo ngại cho các công ty dầu khí Mỹ vốn dựa vào xuất khẩu.

Nhu cầu sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến dầu của Iran trở nên rẻ hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, hai nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc là Libya và Venezuela đang gặp cảnh khốn đốn.

Theo báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc dự kiến nhập thêm khoảng 500.000 thùng dầu một ngày trong năm 2018 và sẽ nhập thêm 400.000 thùng một ngày trong năm 2019.

Để lách lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mua dầu Iran thông qua một ngân hàng họ đã từng sử dụng trong các vụ giao dịch trước đây với Iran. Các ngân hàng toàn cầu rất ngại cấp vốn cho các giao dịch với Iran do lo sợ họ không thể tiếp cận với đồng USD.

Ngân hàng Côn Luân trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có sự tiếp xúc rất hạn chế với hệ thống tài chính quốc tế. Ngân hàng Trung ương Iran có tài khoảng tại Ngân hàng Côn Luân mà các khách hàng Trung Quốc có thể thông qua đó để trả số tiền tương đương hàng tỷ đô la Mỹ để mua dầu. Số tiền này sau đó sẽ được Iran dùng để mua hàng hóa của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục