Ngày 9/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.”
Hội thảo có sự tham dự của các Bí thư Trung ương Đảng: giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sáng kiến của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.”
Việc tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý nhằm phục vụ tốt hơn sự nghiệp đổi mới đất nước và bổ sung tư duy đó vào các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung đánh giá khái quát quá trình đổi mới tư duy pháp lý sau hơn 30 năm đổi mới đất nước; đánh giá những những kết quả, những hạn chế, nguyên nhân của những kết quả, những hạn chế đó, những bài học đồng thời, phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến tư duy pháp lý ở Việt Nam, nhu cầu tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý đáp ứng sự phát triển xã hội trong thời kỳ mới.
Cùng với đó, nêu rõ những luận chứng, quan điểm, định hướng, nội dung tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý để góp phần xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Đặc biệt, đối với việc xây dựng các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng gợi mở những vấn đề cần được nghiêm túc thảo luận, làm rõ tại hội thảo. Đó là vấn đề đổi mới tư duy pháp lý về xã hội, về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, về Đảng, về quyền con người, quyền công dân, về nhà nước pháp quyền Việt Nam, về pháp luật, pháp quyền, về dân chủ, dân chủ hóa.
Bí thư Trung ương Đảng, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, với sự hưởng ứng tích cực và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học luật học, hội thảo sẽ có đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia về khoa học xã hội và nhân văn đầu ngành trên cả nước tham gia góp ý bốn nội dung lớn theo gợi mở của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã nêu trên.
Giáo sư-tiến sỹ Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định việc xác định đúng, đầy đủ các quan điểm tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý có ý nghĩa tư tưởng, nhận thức rất quan trọng đối với tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý ở Việt Nam. Các quan điểm đó tạo ra các định hướng tư tưởng cho tư duy và tư duy lại về lĩnh vực pháp lý.
Việc tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý ở Việt Nam cần được thực hiện với các quan điểm: Đổi mới toàn diện, hệ thống, bao trùm tư duy pháp lý đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đổi mới một cách triệt để, sâu sắc tư duy pháp lý, tiếp tục phát triển lý luận về tư duy pháp lý; kế thừa tư duy pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của đổi mới tư duy pháp lý trong quá trình đổi mới đất nước; đổi mới tư duy pháp lý là một bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu của tư duy đổi mới sáng tạo phát triển đất nước; tăng cường đưa tư duy pháp lý, quan điểm pháp lý, nội dung pháp lý vào cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước, chiến lược tổng thể phát triển đất nước...
Đóng góp ý kiến về nhu cầu đổi mới tư duy pháp luật trong bối cảnh Việt Nam xây dựng xã hội pháp quyền, dân chủ, hội nhập quốc tế và phát triển, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Thị Kim Quế thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong bối cảnh xã hội công nghệ thông tin, công nghệ số, ứng dụng Internet vào cuộc sống, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0..., Nhà nước, với vai trò kiến tạo và phát triển, cần phải đảm bảo và thúc đẩy để người dân được tự do, an toàn, phát huy được tiềm năng của mình trong điều kiện xã hội công nghệ thông tin.
Điều này đặt ra hướng đổi mới cách tư duy trong xây dựng chính sách, pháp luật; cách thức quản lý, điều hành xã hội so với quan niệm truyền thống trước đây.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Việc xây dựng và phát triển khoa học tư duy pháp lý sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn. Khoa học tư duy pháp lý sẽ tạo lập nền tảng vững chắc về mặt lý thuyết cho các nhà thực tiễn áp dụng. Những nhà khoa học cũng phải liên tục cập nhật kiến thức, tìm hiểu thực tiễn để bổ sung thêm những kiến thức mới, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề lý thuyết, phục vụ cho cuộc sống, xã hội.
Những ý kiến đề xuất và kiến nghị tại Hội thảo được tổng hợp và là cơ sở để đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.