Ngày 23/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển kinh tế-xã hội cho vùng bán sơn địa này trong giai đoạn 2016 -2020.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã nêu lên những khó khăn, hạn chế khách quan cũng như chủ quan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như tình trạng phát triển hạ tầng giao thông, thu hút vốn đầu tư, du lịch, nông nghiệp...
Huyện ủy Ba Vì đề nghị bổ sung quy hoạch để thu hút các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao; đồng thời đề nghị thành phố xem xét hỗ trợ đối với các xã miền núi 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, 100% vật liệu kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, phần còn lại do ngân sách huyện hỗ trợ.
Về du lịch, Ba Vì đề nghị thành phố thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về cơ chế khai thác tiềm năng du lịch của Vườn Quốc gia trong tổng thể phát triển du lịch chung của huyện như phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, xây dựng hệ thống cáp treo nối sườn Đông (khu du lịch Thiên Sơn-Suối Ngà) và sườn Tây (Đền Trung) lên cốt 1.100 núi Ba Vì để giảm tải giao thông và ô nhiễm môi trường.
Trước các vấn đề nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cần tập trung khắc phục những hạn chế và đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Cải cách hành chính là nhiệm vụ số một, tiếp theo cần tích cực rà soát, kiểm tra để phát hiện, gỡ bỏ những thủ tục rườm rà làm thông thoáng bộ máy quản lý; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; gìn giữ, bảo tồn các nét đặc sắc văn hóa của địa phương...
Huyện Ba Vì thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây Bắc và cách trung tâm Thủ đô 60km, với tổng diện tích 424,5 km2, dân số trên 27 vạn người, trong đó có gần 3 vạn người dân tộc Mường, Dao, chiếm 10% dân số.
Huyện có 30 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, 1 xã nằm giữa sông Hồng; có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch với các danh lam thắng cảnh Ao Vua, Khoang Xanh-Suối Tiên, Hồ Tiên Sa...; là vùng mang đậm nét văn hóa xứ Đoài, nơi phát tích thánh Tản Viên Sơn, có hơn 300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 60 di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh.
Tuy nhiên, Ba Vì còn nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, xuất phát nền kinh tế thấp, thu hút đầu tư còn hạn chế, do đó chưa khai thác được hết lợi thế, tiềm năng tự nhiên, ngành nông nghiệp dịch vụ còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Do vậy, thành phố tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện cho Ba Vì phát triển, nhất là du lịch dịch vụ, du lịch nông nghiệp, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao./.