Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải thị sát vùng "rốn lũ" Chương Mỹ

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẽ tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu các giải pháp thoát lũ nhanh hơn, đảm bảo cuộc sống cho người dân trong mùa mưa bão.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên các gia đình bị ngập tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Ngày 4/8, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại huyện Chương Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục phối hợp với thành phố tìm giải pháp hiệu quả để phòng, chống lụt bão trước tình hình biến đổi khí hậu được dự báo sẽ cực đoan hơn trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, cho biết Chương Mỹ được coi là vùng “rốn lũ” của thủ đô Hà Nội.

Trong đợt mưa vừa rồi, mực nước đỉnh điểm đo được tại huyện Chương Mỹ là 7,51m vào ngày 30/7. Đây là mực nước cao lịch sử trong hàng trăm năm nay. 

Đến sáng 4/8, mực nước đo được còn 6.73m, tuy nhiên, dự báo trong vài ngày tới, khu vực này vẫn tiếp tục có mưa. Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo huyện Chương Mỹ tiếp tục vừa phòng tránh, vừa giải quyết hậu quả trong và sau lũ để giảm thiệt hại đến mức tối thiểu.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ, tình trạng ngập xảy ra những ngày qua gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các hộ dân vùng ven sông.

Toàn huyện có 3.585/3.683 hộ bị ngập, trong đó có 765 hộ bị ngập lối đi, 2.829 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 6.097 khẩu phải sơ tán.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, không để người dân bị đói, rét, huyện Chương Mỹ đã chủ động chỉ đạo, cảnh báo, bố trí lực lượng ứng trực 24/24, nâng cấp các điểm đê xung yếu, cùng bà con nhân dân bảo vệ thành công đê tả Bùi và vớt rác để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tính đến hết ngày 3/8, số hộ bị ngập đã giảm 98 hộ.

Ông Hùng cho biết khi nước dâng cao quá mức báo động 3, huyện đã chủ động di dân đến vùng an toàn. Ngoài 3 trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra, trong đó có 2 cháu nhỏ đi chơi, sảy chân ngã và 1 cụ già bị lật thuyền khi đang thả lưới trên sông, huyện đảm bảo không có thêm trường hợp nào bị đuối nước do nước lũ cuốn trôi.

[Phòng tránh dịch bệnh lây lan tại những khu vực nước rút]

Với gần 3.600 hộ bị ngập, Sở Y tế đã phối hợp với Bệnh viện Da liễu Hà Nội tổ chức 2.100 lượt bác sỹ khám cho 2.000 lượt hộ dân, phát hiện 6 trường hợp tiêu chảy, 46 trường hợp đau mắt đỏ, 45 trường hợp mắc bệnh ngoài da và phát thuốc miễn phí, điều trị theo phác đồ cho các trường hợp này.

Huyện đã tiếp nhận hơn 3 tỷ đồng tiền mặt từ các đơn vị hỗ trợ cho người dân vùng ngập, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn trực tiếp nhận hỗ trợ gần 300 triệu đồng và thực hiện hỗ trợ các nhu yếu phẩm như mỳ tôm, gạo, lương khô, sữa tươi, nước uống, đèn pin, xà phòng… cho người dân.

Xác định sẽ phải sống chung với lũ trong những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ cho biết huyện sẽ củng cố, sắp xếp lại hệ thống phòng chống bão lũ. Về lâu dài, huyện đề nghị thành phố có phương án di dân ra khỏi vùng thoát lũ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trực tiếp thị sát khu vực đê tả Bùi (xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ) và đến thăm, động viên và tặng quà 3 hộ gia đình vẫn đang chịu cảnh ngập lụt tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, ông Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần tinh thần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, đoàn kết, sẻ chia của bà con nhân dân vùng ngập Chương Mỹ trong những ngày qua.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác ứng phó, phòng chống bão lũ; các lực lượng công an, quân đội tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực; Sở Y tế hỗ trợ khám chữa bệnh cho người dân; Sở Công Thương phối hợp kiểm soát giá và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại vùng ngập lụt.

Đặc biệt, ông Hoàng Trung Hải lưu ý trong công tác cứu trợ, Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cần tham khảo ý kiến người dân để hỗ trợ các vật phẩm thực sự cần thiết, đảm bảo sức khỏe.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu các giải pháp thoát lũ nhanh hơn, đảm bảo cuộc sống cho người dân trong mùa mưa bão./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục