Bỉ sẽ có "siêu nhà máy" chế tạo vệ tinh lớn nhất châu Âu

Công ty chế tạo vệ tinh nhỏ Aerospacelab (Bỉ) vừa chính thức khởi công "siêu nhà máy" chế tạo vệ tinh, được đặt tại tỉnh Charleroi, nhà máy này có thể sản xuất 2 vệ tinh mỗi ngày.
Bỉ sẽ có "siêu nhà máy" chế tạo vệ tinh lớn nhất châu Âu ảnh 1Biểu tượng của công ty chế tạo vệ tinh nhỏ Aerospacelab, Bỉ. (Nguồn: lalibre.be)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, công ty chế tạo vệ tinh nhỏ Aerospacelab (Bỉ) vừa chính thức khởi công "siêu nhà máy" chế tạo vệ tinh.

Được đặt tại tỉnh Charleroi, nhà máy này có thể sản xuất 2 vệ tinh mỗi ngày, hoặc khoảng 500 vệ tinh trong một năm. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2025.

Với diện tích khoảng 16.000m2, trong đó 3.000m2 dành cho phòng thí nghiệm, đây sẽ là nhà máy sản xuất vệ tinh lớn nhất ở châu Âu và đứng thứ ba trên thế giới sau các nhà máy của Tập đoàn thương mại điện tử Amazon và công ty khai phá không gian Space X.

Nhà máy sẽ được xây dựng trên địa điểm cũ của Xưởng xây dựng điện Charleroi và sẽ tạo ra từ 400 đến 500 việc làm.

[Chính phủ Bỉ quyết định chi thêm 1 tỷ euro cho quốc phòng]

Đánh giá về dự án "siêu nhà máy" của Aerospacelab, ông Paul Magnette, Thị trưởng thành phố Charleroi nhấn mạnh: "Ngày nay, việc làm đang được tạo ra mỗi ngày ở Charleroi. Thành phố của chúng tôi đang thành công khi đặt cược vào quá trình chuyển đổi công nghiệp, bằng cách định vị mình trong các lĩnh vực tiên tiến như hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học. Đó thực sự là một động lực cho Charleroi."

Aerospacelab là một công ty khởi nghiệp chuyên về nền tảng vệ tinh và tình báo không gian địa lý được thành lập năm 2018 tại làng Louvain-la-Neuve thuộc Charleroi. Với công suất 24 vệ tinh mỗi năm, đến nay, địa điểm này đã gây tiếng vang và được coi là "góp phần di chuyển thế giới." Điều này đã thúc đẩy Aerospacelab đầu tư mở rộng sản xuất, trong bối cảnh Công ty tư vấn công nghệ truyền thông qua vệ tinh của Pháp (Euroconsult) ước tính rằng đến năm 2030 sẽ có hơn 1.300 vệ tinh được phóng mỗi năm.

Aerospacelab cũng là nhân tố quan trọng trong dự án Không gian Mới - thúc đẩy sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt, trong đó đặt trọng tâm vào các vệ tinh nhẹ hơn, có chi phí sản xuất và phóng rẻ hơn.

Giám đốc điều hành Aerospacelab, Benoît Deper nêu rõ: “Chúng tôi lấy cảm hứng từ ngành công nghiệp ôtô, nơi các sản phẩm tiêu chuẩn hóa luôn có khả năng được điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu cụ thể. Chúng tôi đang trong quá trình thiết lập các nhà máy sản xuất vệ tinh với dây chuyền sản xuất sử dụng các linh kiện bán sẵn.

Ở cả hai nhà máy Ottignies-Louvain-la-Neuve và Charleroi, chúng tôi đều sở hữu và vận hành tất cả các cơ sở thử nghiệm cần thiết để sản xuất vệ tinh, thúc đẩy tích hợp theo chiều dọc, mang lại cho chúng tôi lợi thế về sự nhanh nhẹn. Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một loại hiệu ứng "Henry Ford" trong lĩnh vực sản xuất vệ tinh”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục