Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 đạt từ 2,5-3 tỷ USD, Hải Phòng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu quả, môi trường làm việc đảm bảo an ninh trật tự.
Không nương nhẹ tình trạng “né” việc khó
Tại buổi làm việc mới đây với hơn 40 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng liên tục cải tiến rõ nét, được minh chứng bằng những con số cụ thể như thu nội địa năm 2020 đạt 32.589 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1,5 tỷ USD.
Song Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng cũng thẳng thắn nêu, vẫn còn một bộ phận cán bộ làm việc né tránh, đùn đẩy dẫn đến việc triển khai công việc của một số nhà đầu tư còn chậm.
Việc đảm bảo an ninh trật tự còn bất cập với hàng trăm vụ việc trộm cắp tài sản của người lao động tại doanh nghiệp tái diễn.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu trong năm 2021, bất cứ vấn đề gì vướng mắc liên quan đến thu hút đầu tư, các đơn vị trực thuộc đều phải báo cáo nhanh chóng để thành phố có hướng tháo gỡ kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ là người giải quyết trực tiếp các việc khó liên quan đến các doanh nghiệp FDI.
Còn theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, năm 2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề nghị tất cả đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động xây dựng tâm thế làm việc tích cực và hợp tác, lề lối làm việc chủ động, chuyên nghiệp, có kế hoạch, minh bạch, tin cậy và thân thiện.
[Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 2,5-3 tỷ USD trong năm 2021]
Việc tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp tiếp tục triển khai để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng những nội dung vượt thẩm quyền.
Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng kiên quyết chống các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Một trong những yếu tố Hải Phòng đặc biệt chú trọng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư là đảm bảo an ninh trật tự tại khu kinh tế, khu công nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phối hợp với Công an thành phố Hải Phòng ký quy chế đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực này với những nhiệm vụ, điều khoản cụ thể cho mỗi bên.
Mục tiêu chính của quy chế phối hợp là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các dự án, doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; trong đó, có quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, hoạt động cư trú, tạm trú, xuất nhập cảnh, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Phó Tổng Giám đốc Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng Vũ Thanh Dương cho biết, hiện Khu Công nghiệp Tràng Duệ đã được lấp đầy 100% với hơn 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thuê mặt bằng với hơn 40.000 lao động đang làm việc.
Riêng tập đoàn LG đã có 4 dự án lớn đầu tư tại đây. Ngoài chính sách vĩ mô của thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài, các đơn vị kinh doanh hạ tầng cũng phải đưa ra những đề xuất để việc đảm bảo an ninh trật tự hiệu quả, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.
Sức bật trên nền tảng tốt
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, lũy kế hết năm 2020, khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước (gồm 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 146.000 tỷ đồng) của các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô Vinfast; Tập đoàn LG (Hàn Quốc); Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản)....
Hầu hết các dự án đều sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, kéo theo thu hút các dự án vệ tinh khác, bước đầu hình thành các cụm sản xuất, chuỗi sản xuất công nghiệp đa dạng, có quy mô ngày càng lớn hơn.
Đến năm 2020 khu vực khu kinh tế, khu công nghiệp đã chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa qua cảng, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế thành phố.
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều biến động, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến vị thế địa chính trị của các địa điểm đầu tư mà còn quan tâm rất lớn đến yếu tố an ninh, an toàn.
Hải Phòng đã bứt phá, vươn lên để hội tụ đủ những yếu tố này với minh chứng rõ nét nhất là trong gần 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đạt 16,4 tỷ USD; trong đó, giai đoạn 2016-2020 đã đạt tới 8,7 tỷ USD.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý Hải Phòng cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng; trong đó, tập trung vào logistics, phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ liên quan.
Đây cũng chính là chiến lược phát triển của Hải Phòng. Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại.
Như vậy, khu vực khu kinh tế, các khu công nghiệp là trọng điểm hết sức quan trọng trong thực hiện 2 trong 3 trụ cột phát triển là thu hút công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ cảng biển, logistics.
Hải Phòng cũng tiếp tục thành lập mới 15 khu công nghiệp với diện tích gần 6.500ha, dự kiến thu hút thêm khoảng 160.000 lao động đến làm việc./.