Bí quyết để xây dựng hồ sơ học du học đẹp, 'săn' học bổng

Các chuyên gia tư vấn du học với nhiều năm kinh nghiệm đã chia sẻ với học sinh, phụ huynh bí quyết để chinh phục học bổng du học của các trường đại học Mỹ.
Theo thầy Daniel Friesen tư vấn cho học sinh để chuẩn bị hồ sơ du học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Làm thế nào để chọn trường phù hợp? Cần chuẩn bị những gì cho hồ sơ xin học bổng du học? Làm sao săn được học bổng? ... Những câu hỏi thường gặp của các học sinh, phụ huynh khi chuẩn bị cho kế hoạch du học đã được các diễn giả đến từ Tổ chức giáo dục Summit, đơn vị chuyên tư vấn du học Mỹ, giải đáp trong buổi tọa đàm mới đây.

Cách chuẩn bị hồ sơ tốt nhất

Hồ sơ du học của các học sinh bao gồm hai phần: phần cứng (gồm điểm SAT, học lực, giải thưởng...) và phần mềm (các kỹ năng, hoạt động ngoại khóa, hồ sơ tài chính...).

Theo ông Myo Min, Giám đốc học thuật của Summit, Thành viên Hiệp hội tư vấn du học đại học quốc tế, người có 9 năm kinh nghiệm tư vấn du học chuyên nghiệp, hội đồng tuyển sinh các trường đại học của Mỹ bao giờ cũng nhìn hồ sơ của học sinh một cách tổng thể, không chỉ nhìn vào một yếu tố. Vì thế, học sinh không nên chỉ tập trung vào một vài yếu tố nhỏ như nâng điểm SAT.

Trong hai phần, hội đồng tuyển sinh bao giờ cũng chú ý đến phần cứng trước, trong đó điểm học trên lớp là quan trọng nhất, rồi mới đến điểm SAT, các giải thưởng. Hội đồng sẽ xếp loại từ một đến 5, trong đó loại một là hồ sơ xuất sắc, loại 5 là loại không nhìn đến. Vì thế, điểm số học lực, SAT, các giải thưởng có vai trò quan trọng trong vòng lọc hồ sơ đầu tiên.

Sau vòng lọc hồ sơ, hội đồng tuyển sinh sẽ chú ý đến phần mềm. Các kỹ năng, hoạt động, ngoại khóa... bắt đầu có giá trị xem xét học bổng. “Đây là hai vòng độc lập và hội đồng sẽ cân nhắc cả hai mặt. Vì thế, học sinh không nên quá chú trọng một phần và nghĩ rằng nhờ đó có thể nâng điểm của phần kia lên,” ông Myo Min nói.

Không nên để hồ sơ bị lệch cũng là lưu ý của bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, với học sinh.

“Có nhiều trường sẵn sàng lấy những bạn có điểm SAT thấp hơn nhưng có các hoạt động ngoại khóa tốt và điểm học ở trường tốt so với các bạn có điểm SAT cao nhưng lại có điểm học ở trường không tốt, không có hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động ngoại khóa chỉ về một lĩnh vực,” bà Hoa nói.

Các diễn giả chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Định hướng sớm, nhưng sai lầm trong chuẩn bị

Cũng rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bà Hoa cho biết, có rất nhiều gia đình định hướng cho con đi du học từ sớm, nhưng lại sai lầm trong các bước chuẩn bị.

Thứ nhất là việc học tiếng Anh. Nhiều gia đình xác định cho con đi du học bậc trung học và cuối cấp hai mới đầu tư cho con học tiếng Anh. Bà Hoa cho rằng, muốn giúp học sinh có tư duy bằng tiếng Anh thì cần thời gian dài. Việc học tiếng Anh muộn sẽ khiến học sinh khó tư duy bằng tiếng Anh, khó phát âm chuẩn. Vì thế, nếu phụ huynh muốn cho con đi du học, nên cho con học tiếng Anh từ cấp một.

Bên cạnh đó, khi đi du học, yêu cầu tiếng Anh cần ở các lĩnh vực khác như văn hóa, lịch sử, khả năng giao tiếp tốt... Vì thế, nhiều học sinh dù học học các môn khoa học bằng tiếng Anh, được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ngoại ngữ nhưng kỳ thi đó lại quá chú trọng vào ngữ pháp, học sinh giỏi ngữ pháp nhưng thiếu vốn từ vựng, nên học sinh vẫn khó đạt điểm cao trong các kỳ thi TOEFL, IELTS, SAT...

[Trao học bổng Chính phủ New Zealand cho 20 học sinh Việt Nam]

Thứ hai là vấn đề hoạt động ngoại khóa, các kỹ năng mềm. Theo bà Hoa, thực tế tư vấn du học tại Sumit cho thấy, có rất nhiều học sinh chỉ chú trọng học tiếng Anh mà không có hoạt động ngoại khóa. Những hồ sơ này rất khó để được các trường đại học chấp nhận. Nếu hoạt động ngoại khóa chỉ về một lĩnh vực hoặc không phù hợp với ngành học cũng sẽ khó thuyết phục hội đồng tuyển sinh.

“Điều này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn là phụ huynh, học sinh chỉ định hướng là đi du học nhưng không biết học trường gì, ngành gì. Vì thế không xây dựng được các hoạt động ngoại khóa phù hợp với ngành học của con sau này,” bà Hoa phân tích.

Theo thầy Daniel Friesen, cố vấn học thuật của Summit, thì “điều quan trọng nhất là phải biết mình muốn gì và điều đó có phù hợp với mình không. Tuy nhiên, học sinh lại thiếu sự suy nghĩ một cách thấu đáo và chỉn chu về chính bản thân mình.”

Rất đông học sinh, phụ huynh đã tham gia tọa đàm, lắng nghe các kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ du học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bí quyết "săn" học bổng

Theo bà Trần Phương Hoa, trong việc gửi hồ sơ xin học bổng các trường, có ba tiêu chí quan trọng nhất mà học sinh, phụ huynh cần lưu ý.

Thứ nhất là khả năng được tiếp nhận. Mỗi trường có tiêu chí xét học bổng khác nhau. Vì thế, học sinh cần vào cổng thông tin điện tử của từng trường để tìm hiểu thông tin về chế độ tài chính của trường với các sinh viên quốc tế.

Học sinh cần xem kỹ các điều kiện xét tuyển của trường như số lượng học bổng, tiêu chí điểm số, thành tích... Từ đó, so sánh các yêu cầu của trường với khả năng đáp ứng của bản thân để cân nhắc khả năng trúng tuyển.

Thứ hai là mức học bổng của trường có phù hợp với khả năng kinh tế gia đình hay không? Bà Hoa cho biết, các trường thường không công bố mức học bổng cụ thể mà chỉ nêu con số trung bình. Do các mức học bổng chênh lệch nhau khá nhiều nên số học bổng trung bình không sát thực tế.

Vì thế, phụ huynh và học sinh nên tham khảo thêm ở các đơn vị tư vấn du học hoặc các học sinh đã nộp hồ sơ trước đó để có thông tin chính xác nhất. Việc nghiên cứu kỹ mức học bổng giúp học sinh tránh trường hợp được trường chấp nhận nhưng vẫn phải bỏ vì học bổng thấp, không đủ khả năng chi trả phần còn lại, hoặc bị trường gạt hồ sơ do yêu cầu mức tài trợ quá khả năng của trường.

Tiêu chí thứ ba là thương hiệu, uy tín của trường. Trong tiêu chí này, học sinh phải vừa nhìn vào uy tín, thương hiệu chung của trường, vừa phải lưu ý đến thương hiệu, uy tín của ngành học mà mình định nộp hồ sơ. “Một trường có rất nhiều ngành học. Vì thế, có trường xếp vị trí 20 nhưng ngành học mà học sinh định đăng ký lại có uy tín thấp hơn của trường xếp vị trí thứ 30,” bà Hoa phân tích.

Ngoài các tiêu chí chính trên, phụ huynh và phụ huynh có thể tiếp tục cân nhắc các tiêu chí khác như vị trí địa lý của trường. Nên ưu tiên ở gần các thành phố lớn, hoặc có tàu xe, sân may... để thuận tiện đi lại, có các công ty hay doanh nghiệp để thực tập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục