Bỉ phê duyệt tiêm liều vaccine thứ ba cho người trên 85 tuổi

Quyết định tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho người trên 85 tuổi được cho là nhằm bảo vệ người dân Bỉ tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư.
Bỉ phê duyệt tiêm liều vaccine thứ ba cho người trên 85 tuổi ảnh 1Tiêm vaccine cho người dân Bỉ. (Nguồn: flandersvaccine.be)

Ngày 21/9, Hội đồng y tế cấp cao của Bỉ đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho tất cả những người lưu trú trong các viện dưỡng lão và tất cả những người trên 85 tuổi.

Quyết định trên được cho là nhằm bảo vệ người dân Bỉ tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư.

Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định cấp chứng nhận kỹ thuật số về an toàn COVID-19 cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp những người này có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên COVID-19 dương tính, chứng nhận kỹ thuật số của họ sẽ hiển thị màu đỏ trong khoảng 11 ngày. Trong thời gian đó, họ không được phép tham gia các sự kiện cũng như tới các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.

Chính phủ Bỉ đã xác nhận việc sửa đổi theo hướng này trong xử lý dữ liệu liên quan đến chứng chỉ mã hóa kỹ thuật số COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) và chứng nhận an toàn COVID-19 của Bỉ. Quyết định này tuân theo yêu cầu trong cuộc họp của Ủy ban Tham vấn COVID-19 hôm 17/9 vừa qua.

Liên quan vaccine ngừa COVID-19, ngày 22/9, Tổ chức ân xá quốc tế kêu gọi lãnh đạo các quốc gia và các nhà sản xuất vaccine dành 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo hơn vào cuối năm nay.

Theo một báo cáo mới của tổ chức này, trong khuôn khổ kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ đưa ra cam kết đối với mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho khoảng 70% dân số thế giới vào tháng 9/2022.

[Australia hối thúc Pfizer nộp hồ sơ vaccine COVID-10 cho trẻ em]

Người đứng đầu Tổ chức Ân xá quốc tế, bà Agnes Callamard, nhấn mạnh: "Chúng tôi cần các nhà lãnh đạo như Tổng thống Biden cam kết cung cấp hàng tỷ liều vaccine và giao số vaccine đó, nếu không, đó chỉ là hứa suông và tổn thất sinh mạng sẽ tiếp diễn."

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, các nhà sản xuất vaccnie như AstraZeneca, BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax và Pfizer đã từ chối chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng hầu hết người dân ở các quốc gia giàu có đều đã được tiêm chủng phòng COVID-19, song nhiều nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đã rơi vào những cuộc khủng hoảng mới với "hàng chục nghìn ca tử vong có thể tránh được mỗi tuần."

Trong tổng số 5,67 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, chỉ có 0,3% ở các quốc gia có thu nhập thấp, trong khi hơn 79% là ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình.

Tổ chức trên cũng cảnh báo nguy cơ không thực hiện được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến cuối năm nay tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 40% dân số các nước thu nhập thấp và dưới trung bình.

Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi các nước giàu hơn phân phối lại "hàng trăm triệu liều vaccine dư thừa" và các nhà phát triển vaccine đảm bảo tối thiểu 50% số liều vaccine sản xuất được chuyển đến các nước nghèo hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục