Các nhà khảo cổ thuộc Sở công cộng vùng Wallonie (Bỉ) hôm 29/9 đã phát hiện những vết tích khảo cổ đặc biệt tại một công trường xây dựng ở thành phố Ath.
Đây là vết tích một ngôi làng có niên đại khoảng từ 6.000-5.300 năm trước Công nguyên. Phát hiện mới này có thể giải thích về sự phát triển của thành phố của người Géant (người khổng lồ).
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những vết tích của các cư dân Ath đầu tiên trên khu vực của những người làm nghề kéo thuyền, nằm giữa dòng kênh và đường Mons, trong khuôn khổ cuộc khai quật dự phòng trước khi quy hoạch một khu vực.
Trong khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ gốm và đồ trang sức bằng đá phiến trong những ngôi mộ và dấu vết các cột giống với một ngôi làng thời đồ đá sớm.
Theo bà Isabelle Deramaix, một nhà khảo cổ thuộc nhóm khai quật, những phát hiện khảo cổ này rất quan trọng cho phép hiểu được nguồn gốc của thành phố vì địa điểm khai quật không xa ngôi làng nguyên thủy.
Các huyệt mộ thời La Mã và Trung Cổ cùng với con đường dẫn tới Chièvre cũng được các nhà khảo cổ phát hiện cách ngôi làng nguyên thủy vài trăm mét. Phát hiện mới này được cho là hết sức đặc biệt. Việc đào bới trên một khu vực rộng giúp phát hiện dấu vết của cuộc sống con người trước khi bị quân La Mã chiếm đóng.
Việc khai quật được tiến hành từ tháng 5 vừa qua và sẽ kết thúc vào cuối năm nay./.