“Nếu bạn càng bị nhiều người ghét thì có nghĩa bạn càng có sự nổi trội về tính cách. Chính vì bạn quá khác biệt so với mọi người nên họ không chấp nhận, vì thế, họ ghét, và sự khác biệt về tính cách chiếm 20% trong hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu bạn chỉ bình thường như mọi người, bạn sẽ không bị ghét nhiều nhưng cũng chỉ nhờ nhờ.”
Những chia sẻ của blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long với các sinh viên Đại học Hà Nội chiều 15/10, trong chương trình "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp", đã làm "nóng" hội trường. Không ít sinh viên tỏ ra băn khoăn: Bị ghét thì có tốt không? Có ai muốn bị nhiều người ghét?
Xấu cũng là một lợi thế
Tuy nhiên, theo anh Long, sự khác biệt về tính cách, ngoại hình không xấu dưới góc nhìn thương hiệu cá nhân, “và khi bạn bị nhiều người ghét thì sẽ vẫn có người tìm đến làm bạn với bạn, đó là những người cũng có những khác biệt như bạn, theo kiểu ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”
Kể câu chuyện vui từ chính mình, anh Long cho rằng sự khác biệt về tính cách, ngoại hình, dù theo hướng nào, cũng là cách để làm cho bản thân không trộn lẫn với cộng đồng.
“Tôi mới ở Myanma về và ở bên đó, tôi không được ai chú ý vì tôi không có gì khác họ. Chỉ cần tôi không mở miệng ra, ai cũng nghĩ tôi là người bản địa. Tôi sẽ không bị chặt chém như với khách du lịch. Nhưng ở Việt Nam, tôi lại là người khác biệt, được chú ý vì da tôi đen hơn người bình thường.”
“Nhưng sự khác biệt về ngoại hình, tính cách không làm nên thương hiệu cá nhân mà chỉ làm nên hình tượng cá nhân, và nó trôi rất nhanh, không lâu bền được như thương hiệu cá nhân. Để có thương hiệu cá nhân thì bên cạnh việc có hình tượng riêng, bạn cần phải có tài, và tài năng chiếm đến 70%. Tất nhiên, giống như ngoại hình và tính cách, tài năng cũng phải đặc biệt và nổi trội. Khi bạn có thương hiệu cá nhân, nhà tuyển dụng thậm chí phải mời chào bạn,” anh Long nói.
Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân
Trả lời câu hỏi của các sinh viên về việc làm sao để có được thương hiệu cá nhân, anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc đầu tiên là phải trả lời ba câu hỏi: Tôi có đặc điểm nổi trội và khác biệt gì về ngoại hình? Khác biệt gì về tính cách? Khác biệt gì về tài năng?
“Hãy trả lời câu hỏi mình sẽ nổi bật với tài năng gì? Trong cộng đồng nào? Chẳng hạn, nếu bạn là một thợ chuyên chụp ảnh cưới thì hoặc bạn phải đến một nơi chưa có ai làm dịch vụ này để trở nên đặc biệt. Nếu bạn vẫn ở đây, nơi có vô số thợ chụp ảnh cưới giỏi, hoặc bạn phải xuất sắc hơn tất cả họ, hoặc bạn phải khác biệt, chẳng hạn như bạn sẽ là thợ giỏi nhất trong chụp ảnh cưới cho cô dâu béo, cho người đồng tính…” anh Long chia sẻ.
Sau khi xác định lĩnh vực mình sẽ chinh phục, phải hoạch định thế nào là người số một trong lĩnh vực đó. Các tiêu chí để đánh giá mức độ thành công gồm sản phẩm của bạn là gì? Sản phẩm đó được đánh giá như thế nào bởi các chuyên gia trong cùng lĩnh vực? Bạn có thành tích gì? Đánh giá của những người xung quanh về năng lực chuyên môn của bạn?...
“Và muốn có được tất cả những điều đó, bạn phải hành động, phải tìm tòi, học hỏi, phải làm việc để làm ra các sản phẩm xuất sắc, để đạt các thành tích, được đánh giá cao, và được thừa nhận là người có tài năng trong lĩnh vực mình đã chọn,” anh Long nói.
Bí quyết theo anh Long chính là phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, và một kế hoạch cũng rõ ràng, cụ thể, khả thi. Sau khi xác định, hãy miệt mài xây dựng hình ảnh bản thân như một con ong, tích cóp các kết quả đạt được, dù rất nhỏ, trên facebook như một bảng thành tích và cũng là một cách để quảng bá bản thân.
Những chia sẻ của Nguyễn Ngọc Long đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên. Em Nguyễn Minh Trang, sinh viên khoa Kế toán, trường Đại học Hà Nội nhận định: “Đây thực sự là buổi nói chuyện rất thú vị. Sinh viên thường chỉ tập trung vào bảng điểm nhưng bảng điểm chỉ là một biểu hiện của thành tích. Vì thế, sau khi nghe những chia sẻ của anh Long, em cũng đang tự hỏi chính mình sẽ xây dựng hình ảnh bản thân như thế nào.”
Theo bà Lê Mai Hương, phụ trách điều phối đào tạo và truyền thông của Trung tâm Công nghệ thông tin truyền thông Vietnet-ICT, đơn vị tổ chức chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin tỏng tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp, sự thay đổi trong suy nghĩ của các sinh viên như Trang cũng chính là mục tiêu mà chương trình hướng đến.
“Chúng tôi luôn hy vọng các trao đổi từ chuyên gia sẽ hỗ trợ cho sinh viên nhiều hơn những bí kíp để có thể hoàn thiện bản thân hơn, nỗ lực hơn và chinh phục được các nhà tuyển dụng trong quá trình tìm kiếm việc làm,” bà Hương nói./.