Bi kịch đằng sau phôi tượng ám ảnh về một đứa trẻ trên bụng mẹ

Bị chôn vùi dưới tro bụi trong suốt hơn 1.900 năm, câu chuyện bi kịch đằng sau phôi tượng đầy ám ảnh về một đứa trẻ trên lòng mẹ, sững người vì sợ hãi, đã và đang từng bước được hé lộ.
Bức tượng cậu bé nằm ngủ trên bụng mẹ được phục dựng. (Nguồn: Daily Mail)

Bị chôn vùi dưới tro bụi trong suốt hơn 1.900 năm, câu chuyện bi kịch đằng sau phôi tượng đầy ám ảnh về một đứa trẻ trên bụng mẹ, sững người vì sợ hãi, đã và đang từng bước được hé lộ.

Các chuyên gia phục chế đang làm việc với những phôi tượng thạch cao được bảo quản rất cẩn thận của 86 người La Mã bị mắc kẹt ở Pompeii vào năm 79 sau Công Nguyên khi thảm họa núi lửa Vesuvius phun trào đã hủy diệt thành phố này.

Dựa vào tầm vóc, đứa trẻ được cho là một cậu bé 4 tuổi, đang trú ẩn tại một nơi có tên là Nhà Vòng tay Vàng cùng với gia đình của mình khi thảm họa xảy ra.

Cậu được phát hiện cùng với một người đàn ông và một người phụ nữ trưởng thành, nhiều khả năng là cha mẹ của cậu, và một đứa bé nhỏ tuổi hơn có vẻ như đang ngủ trên bụng mẹ.

Tờ Decoded Past cho biết có thể nhìn thấy quần áo của cậu bé và vẻ mặt yên bình của cậu trên phôi tượng thạch cao.

Stefania Giudice, một chuyên gia bảo tồn đến từ bảo tàng khảo cổ quốc gia Naples, chia sẻ với nhà báo Natashas Sheldon: “Việc xử lý những bộ hài cốt này khi đổ thạch cao có thể khiến chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Mặc dù thảm họa đã xảy ra cách đây 2.000 năm, song họ vẫn là những cậu bé, những người mẹ, những gia đình. Đây không chỉ là khảo cổ học, mà còn là khảo cổ học con người.”

Các chuyên gia tại điểm khảo cổ Pompeii đang chuẩn bị những hiện vật này cho một cuộc triển lãm sắp được tổ chức mang tên Pompeii và châu Âu.

Tư thế của những bộ hài cốt cho chúng ta thấy họ đã chết ra sao - một số bị kẹt trong các tòa nhà, còn một số người khác đang trú ẩn cùng với gia đình mình.

Trong một bức hình đầy ám ảnh, Stefano Vanacore, giám đốc phòng thí nghiệm đang bế trên tay hài cốt của một đứa bé đã bị vùi trong tro bụi khi núi lửa phun trào vào ngày 24/8.

Một khuôn thạch cao khác thuộc về một người trưởng thành cho thấy người này đang giơ hai tay lên cao để che đầu, như một nỗ lực bảo vệ bản thân cuối cùng trước cái chết.

Pompeii là một thành phố La Mã lớn thuộc vùng Campania của Italy. Núi Vesuvius phun trào đã tung tro bụi lên cao hàng trăm mét trên không trung trong suốt 18 giờ, phủ kín Pompeii và nhấn chìm các cư dân của thành phố trong tro bụi.

Nhưng thảm họa khủng khiếp phải tới sáng hôm sau mới xảy ra, khi chóp núi lửa sụp đổ, gây ra một trận lở bùn với tốc độ 160 km/h tràn xuống Pompeii, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó và lấp kín cả thành phố, ngoại trừ những tòa nhà cao nhất.

Lớp tro bụi phủ lên những cư dân ở Pompeii đã cứng lại, tạo thành một lớp vỏ xốp, có nghĩa là phần mô mềm của các thi hài đều đã bị phân rã, chỉ còn lại bộ xương bên trong lớp vỏ rỗng.

Các báo cáo khẳng định rằng 2.000 người đã thiệt mạng, và nơi đây đã bị bỏ hoang cho tới khi được tái phát hiện vào năm 1748.

Nhiều tòa nhà, hiện vật và hài cốt đã được tìm thấy nguyên vẹn bên dưới lớp đất đá vụn.

Hiện nay, nơi đây đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới UNESCO, và thu hút hơn 2,5 triệu du khách mỗi năm.

Vào tháng 11, các nhà khảo cổ Pháp và Italy khai quật khu vực thành phố cổ đã tìm thấy những chiếc lọ gốm chưa nung, nhiều khả năng do những người thợ gốm La Mã đánh rơi khi đang bỏ chạy.

Khu vực khảo cổ được bảo quản nguyên vẹn nằm sâu 9 mét dưới tro bụi này đã vô tình được phát hiện vào thế kỷ 18. Các nhà khai quật đã rất ngạc nhiên khi phát hiện hài cốt của con người bên trong lớp tro bụi, và sớm tìm ra cách đắp khuôn thạch cao để ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của những cư dân xấu số này.

Các nhà khảo cổ đổ thạch cao vào bên trong lớp vỏ bằng tro cứng, sau đó lấy bức tượng thạch cao ra qua một lỗ hổng vài ngày sau đó.

Kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học thu được những bức tượng có cả biểu hiện gương mặt đầy đau đớn của những cư dân Pompeii đã thiệt mạng sau thảm họa, cũng như các chi tiết như kiểu tóc và quần áo của họ.

Tạo phôi tượng là cả một quá trình khoa học chính xác, bởi lớp thạch cao cần phải đủ mỏng để thể hiện hết các chi tiết, song cũng phải đủ dày để hỗ trợ cho hài cốt bên trong, BBC cho biết.

Ước tính cho tới nay đã có khoảng 1.150 thi hài đã được phát hiện, mặc dù vẫn còn 1/3 diện tích thành phố chưa được khai quật.

Phần lớn phôi tượng thạch cao được làm vào khoảng giữa thế kỷ 19, có nghĩa là một số bức tượng đã bị thoái hóa và cần được sửa chữa, mang tới cho các chuyên gia cơ hội xem xét bên trong chúng.

Tổng cộng, mới chỉ khoảng 100 vỏ tro cứng được đổ thạch cao, hé lộ về tư thế của con người, hoặc thậm chí là của những chú chó vật nuôi.

Ước tính rằng có khoảng từ 10.000 tới 25.000 người dân Pompeii và Herculaneum gần đó đã thiệt mạng tại chỗ khi thảm họa xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục