Trên hòn đảo Delos thanh bình, những tàn tích uy nghi của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ do biến đổi khí hậu.
Cách không xa đảo Mykonos, di sản thế giới Delos được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận này hiện đang chìm dần xuống biển Aegean.
Nơi đây từng là một trong những khu di tích quan trọng nhất của thế giới Hy Lạp và La Mã cổ đại, với những công trình kiến trúc 2.000 năm tuổi mang đến cái nhìn độc đáo về đời sống thường nhật của người cổ đại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu có thể khiến Delos biến mất hoàn toàn chỉ trong vài thập kỷ tới.
Bà Veronique Chankowski, người đứng đầu Trường Khảo cổ Athens (EFA) của Pháp, cho biết Di tích Delos rất có thể sẽ bị nhấm chìm xuống biển Aegean trong vòng 50 năm tới đây.
Mối đe dọa lớn nhất đối với Delos là hiện tượng xâm nhập mặn. Nước biển xâm nhập bào mòn nền móng của các công trình cổ đại, khiến chúng sụp đổ dần.
Tình trạng này càng trở nên trầm trọng vào mùa Đông khi sóng biển dữ dội tràn vào các khu vực ven biển.
Bà Chankowski cho biết, mực nước biển đã tăng tới 20m ở một số nơi trên đảo trong thập kỷ qua, khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Để bảo vệ Delos, một số dầm đỡ bằng gỗ đã được triển khai để giúp một số bức tường có hiện tượng bị ăn mòn không bị sụp đổ.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, đòi hỏi nhà chức trách cần nghiên cứu những biện pháp lâu dài và toàn diện hơn.
Một nghiên cứu từ Đại học Aristotle ở thành phố Thessaloniki (Hy Lạp) cho thấy rằng nhiệt độ và độ ẩm tăng cao có thể làm thay đổi thành phần hóa học của vật liệu được sử dụng trong các di tích di sản văn hóa.
Ngoài ra, các hoạt động du lịch trong những tháng Hè cũng đặt ra một thách thức khác do sự thiếu ý thức của khách tham quan.
Trước tình hình này, nhà khảo cổ học Athena-Christiana Loupou đã kêu gọi cần triển khai hành động khẩn cấp để bảo vệ di sản quý giá này./.