Bỉ đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội do ảnh hưởng của đại dịch

Bỉ ghi nhận có 338 doanh nghiệp phá sản trong tháng Tư vừa qua, song con số này rất ít so với thực tế vì nó chỉ bao gồm các hồ sơ đã mở trước cuộc khủng hoảng COVID-19.
Cảnh vắng vẻ tại Quảng trường Lớn do dịch COVID-19 ở Brussels, Bỉ ngày 13/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu suy yếu tại Bỉ, nhưng cũng như nhiều nước trên thế giới, một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội đang bắt đầu xuất hiện tại nước này.

Bỉ ghi nhận có 338 doanh nghiệp phá sản trong tháng Tư vừa qua, song con số này rất ít so với thực tế vì nó chỉ bao gồm các hồ sơ đã mở trước cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông Eric Van den Broele, chuyên gia của hãng tư vấn tín dụng Graydon, cho biết một làn sóng phá sản thực sự đang đến. Tuy nhiên, Graydon chưa thể công bố các con số chính xác.

Dù có trong tay dữ liệu của 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, công ty của ông Broele đang chờ đợi các tính toán để có được số liệu chính xác liên quan đến tác động của dịch COVID-19.

Để khôi phục các doanh nghiệp đòi hỏi phải có khoảng 8-9 tỷ euro, nhưng theo ông Broele, con số thực tế chắc chắn lớn hơn thế rất nhiều. Chính phủ cũng đã thành lập một hệ thống đảm bảo với khoản cho vay khẩn cấp lên tới 50 tỷ euro cho các doanh nghiệp.

[Dịch COVID-19: Đức và Bỉ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế]

Về tác động xã hội, Bộ trưởng Bộ Hội nhập Xã hội, Denis Ducarmes, tính toán rằng các yêu cầu trợ giúp bổ sung có thể tăng 30% trong giai đoạn từ tháng Tư vừa quan đến tháng Sáu tới.

Bộ Hội nhập Xã hội đã giải ngân vào cuối tuần trước số tiền 15 triệu euro, tương ứng với mức tăng 30%.

Sau ngày 11/5, khi các biện pháp phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng, số người nộp đơn xin trợ cấp có dấu hiệu tăng nhanh. Nguyên do được cho là vì trong thời gian cách ly, mọi người không thể ra khỏi nhà để tìm kiếm trợ giúp xã hội.

Một điều lo lắng nữa là các công ty có thể phải tiếp tục sa thải nhân viên từ nay đến cuối năm, do họ không thể hoạt động với số lượng nhân viên hiện tại khi hoạt động kinh doanh bị thu hẹp. Những tác động tiêu cực về mặt xã hội là rõ ràng. Việc đưa đời sống xã hội trở lại bình thường đòi hỏi phải có các giải pháp về tạo công ăn việc làm.

Chính phủ cần trao thêm quyền tự do và sự linh hoạt cho doanh nghiệp, đặc biệt là với các cơ sở vừa và nhỏ để họ có thể tuyển dụng thêm lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục