Việc đồng bộ hóa biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nằm trong kế hoạch chung của thành phố Hà Nội khi xây dựng tuyến đường này thành tuyến đường kiểu mẫu của thành phố.
Tuy vậy, việc làm này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân cũng như Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh cho phù hợp, sau đó nhân rộng ra các tuyến phố khác của thành phố.
Từ tình trạng lộn xộn trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường mới Lê Trọng Tấn là cần thiết, đảm bảo mỹ quan đô thị và phù hợp với Luật Quảng cáo.
Việc đồng bộ này trước hết là sự hợp chuẩn và tương đồng nhau về kích thước biển hiệu, nội dung trình bày trên biển hiệu và tuyệt đối không đưa hình ảnh sản phẩm vào biển hiệu.
Chiều cao trung bình so với mặt đất cố định khoảng 3,2-3,3 m. Sự đồng bộ này nhằm khắc phục được bất cập về biển hiệu lộn xộn, thậm chí phản cảm như thời gian qua. Tuy vậy, điều gây tranh cãi ở đây là màu sắc quy định là màu đỏ và màu xanh là không phù hợp.
Với các thương hiệu lớn như Techcombank, Thế giới di động… nếu phải sử dụng màu sắc và cách trình bày theo quy định trên sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận diện hình ảnh mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng nhiều năm qua. Một số ý kiến cũng cho rằng, việc quy định cứng như trên sẽ không phát huy được tính sáng tạo của người dân trong trình bày biển hiệu.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiến trúc xây dựng Hà Nội chia sẻ quan hệ đô thị rất phức tạp, nó phải thỏa mãn nhiều vấn đề về tâm lý, thị giác nhưng việc đồng bộ biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn với màu sắc như vậy là đơn điệu, chủ quan và chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh khẳng định, đã có mặt tại nhiều thành phố đẹp trên thế giới như Paris, Copenhagen, Stockhom, Dublin Oslo, Tokyo, Singapore… nhưng chưa thấy thành phố nào có biển hiệu dài hàng trăm mét dọc phố chỉ có hai màu xanh, đỏ.
Nguồn kinh phí lắp dựng biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn được huy động từ nguồn xã hội hóa, người dân không phải bỏ tiền ra làm. Trước khi triển khai đồng bộ hóa hệ thống biển hiệu tại đây, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đã lấy ý kiến của nhân dân và đa phần người dân ủng hộ.
“Nếu người dân không đồng thuận chắc chắn họ không cho treo biển hiệu lên” – bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân khẳng định. Bà Mai Trang cũng cho biết, trong quá trình triển khai, quận Thanh Xuân được Sở Văn hóa và Thể thao góp ý về nội dung quảng cáo và kích cỡ biển biệu, còn màu sắc do quận tự lựa chọn; quận cũng đã báo cáo thành phố và được chấp thuận.
Trước những ý kiến của dư luận về màu sắc quy định chưa phù hợp với một số thương hiệu lớn, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết sẽ xin ý kiến thành phố để điều chỉnh cho phù hợp.
Trên góc độ quản lý về văn hóa, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tại tuyến đường Lê Trọng Tấn có hai loại biển gồm biển hiệu và biển quảng cáo. Đối với biển hiệu, quận Thanh Xuân đã lấy ý kiến của người dân và được người dân đồng thuận.
Còn với biển quảng cáo sẽ phải xin phép Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép lắp dựng. Sở căn cứ vào ý kiến đóng góp của dư luận, khi cấp phép sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện cho phù hợp, đảm bảo đẹp cả ban ngày lẫn ban đêm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng việc đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn đang trong quá trình thí điểm, phải thực hiện để người dân đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác./.