Bị cáo Trương Mỹ Lan xin nhận được khoan hồng của Đảng, Nhà nước

Trương Mỹ Lan xin Hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng xem xét lại quá trình, bối cảnh hành vi của bị cáo để nhận được sự nhân đạo của pháp luật cũng như sự vị tha, khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát ngày 4/11/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 4/11, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần xét hỏi các bị cáo.

Phiên tòa được mở trực tiếp kết hợp trực tuyến. Có 46/48 bị cáo có đơn kháng cáo có mặt tại phiên xử, hai bị cáo vắng mặt vì lý do sức khỏe là Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Văn Lang và Tập đoàn Capella) và bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty Cổ phần Natural Land).

Hội đồng xét xử cho biết một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng một số luật sư đã xin vắng mặt.

Bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt mức án tử hình tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ phán quyết trên và có đơn xin miễn hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Lan cho rằng mức án tử hình là quá nghiêm khắc và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại một số nội dung liên quan.

Bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với phán quyết 9 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

46 bị cáo còn lại bao gồm cháu gái của Trương Mỹ Lan là Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor) cùng các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.

Tại tòa, Trương Mỹ Lan trình bày bản thân chưa bao giờ có chữ ký nào cho việc vay vốn tại Ngân hàng SCB, chưa bao giờ chỉ đạo bất cứ cá nhân nào tại Ngân hàng SCB, chưa bao giờ nhân danh Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao dịch hay đưa tập đoàn tham gia vào tái cấu trúc Ngân hàng SCB.

Nói về Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan cho biết, khi bị cáo nhận lời tham gia vào quá trình tái cấu trúc Ngân hàng SCB thì ngân hàng đang rất khó khăn với tổng tài sản là 145.000 tỷ đồng nhưng tổng dư nợ phải trả lên tới 133.000 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian sau đó, Lan và cổ đông đã cho mượn tiền, tài sản và cùng tập thể nhân viên SCB nỗ lực “chèo lái” ngân hàng này ổn định suốt 11 năm, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn và không sử dụng kinh phí của Nhà nước.

Trương Mỹ Lan cho biết bản thân không có ý kêu oan, mà chỉ xin Hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng xem xét lại quá trình, bối cảnh hành vi của bị cáo để bị cáo nhận được sự nhân đạo của pháp luật cũng như sự vị tha, khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng xét xử cho bị cáo nhận lại các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra.

Cụ thể, Lan xin tòa giải tỏa 2 tòa nhà trên đường Trần Cao Vân và Lê Lợi (Quận 1) vì đây là tài sản mẹ của Lan cho riêng bị cáo Trương Huệ Vân, không liên quan vụ án.

Đồng thời, Lan cũng xin giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (Quận 3) vì đây là tài sản riêng của gia đình, có giá trị lớn về mặt văn hóa, di sản; xin nhận lại tòa nhà tại địa chỉ 19-25 đường Nguyễn Huệ, tài sản tại số 21 đường Trần Cao Vân và số 24 đường Lê Lợi (Quận 1), 2 du thuyền, 19 ôtô... cùng một số tài sản khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục