Bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho SCB

Bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xử lý cổ phần của bản thân cùng cổ phần của con cái, bạn bè bị cáo để giải quyết, khắc phục hậu quả.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm tại phiên tòa ngày 12/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm tại phiên tòa ngày 12/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 12/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần đặt câu hỏi của luật sư với các bị cáo.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan dành nhiều thời gian trình bày về lý lịch bản thân, nguồn gốc hình thành khối tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và việc bị cáo tham gia vào công tác hợp nhất Ngân hàng SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết lúc trẻ khởi nghiệp làm tiểu thương ở Chợ Bến Thành, sau 14 năm đã tích lũy được khối tài sản vững chắc.

Năm 1992, bị cáo thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, về sau mở thêm nhiều công ty và hình thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Lan khai, ngày 1/1/2012, thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng để thành lập SCB, Lan được một số lãnh đạo ngành Ngân hàng động viên, nên đã đưa nhiều tài sản vào để tái cơ cấu SCB. Trong đó, Lan đã cho mượn tòa nhà Khách sạn 5 sao Windsor (sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm tài sản đảm bảo, vay 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính thanh khoản khi hợp nhất.

Ngoài ra, bị cáo Lan cho biết mình còn vận động bạn bè trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần đầu tư. Về mặt kinh doanh, Lan trình bày bị cáo khi đó có niềm tin với trí tuệ, khả năng và các mối quan hệ bạn bè của bản thân có thể giúp hợp nhất 3 ngân hàng nên mới dám mạo hiểm cho mượn tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, theo Trương Mỹ Lan, bản thân bị cáo chỉ biết kinh doanh, cho mượn tài sản, không biết gì về nghiệp vụ ngân hàng. Do bị cáo và bạn bè có tài sản đưa vào tái cơ cấu SCB nên nhiều người đã nghĩ bị cáo có quyền lực, vai trò, ảnh hưởng lớn ở SCB. Bị cáo Lan khẳng định bị cáo không có ảnh hưởng tới Hội đồng Quản trị của SCB, không biết việc phân công, bổ nhiệm các chức danh.

Về nhóm nhà đầu tư là 5 pháp nhân nước ngoài sở hữu 35% cổ phần của Ngân hàng SCB, bị cáo Lan cho biết đây là cổ phần của những người bạn, đối tác nước ngoài, thực tế nắm cổ phần của Ngân hàng SCB, chứ không phải đứng tên giúp bị cáo như cáo buộc. Song, khi được luật sư hỏi về danh tính của nhóm nhà đầu tư này, Lan khai không nhớ.

Liên quan cáo buộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập ra 1.000 công ty “ma” thực hiện các khoản vay để Lan rút tiền ra sử dụng, bị cáo Lan cho rằng những công ty này không liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

ttxvn_xet_xu_vu_an_xay_ra_tai_tap_doan_van_thinh_phat_ngan_hang_scb_1203-1.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 12/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về các khoản vay không đúng quy định pháp luật, với tư cách là cổ đông lớn khi để xảy ra hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại của vụ án và sẽ “dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả.” Bị cáo Lan mong Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền cáo buộc bị cáo chiếm đoạt tài sản cũng như tội danh "Tham ô tài sản."

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella nộp khắc phục hậu quả vào Ngân hàng SCB để giúp đỡ ngân hàng vì “hiện SCB đang rất cần tiền.”

Bị cáo Lan mong muốn ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xử lý cổ phần của bản thân cùng cổ phần của con cái, bạn bè bị cáo để giải quyết, khắc phục hậu quả.

Cũng về nhóm nhà đầu tư là 5 pháp nhân nước ngoài, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB trả lời luật sư, cho rằng tiền và tài sản của nhóm cổ đông nước ngoài nộp vào ngân hàng là thật.

Theo cáo trạng, tính đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% vốn điều lệ của SCB do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong đó có 5 công ty nước ngoài mà cơ quan điều tra xác định là đứng tên giúp bị cáo Lan là: Noble Capital Group Limited (9,4%), Glory Capital Investment Limited (4,6%), Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%), Day Glory Development Limited (4,6%), Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Trong khi đó, bị cáo Tạ Chiêu Trung, cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú cho biết Công ty Việt Vĩnh Phú có các cổ đông sở hữu cổ phần gồm: bị cáo Trương Huệ Vân (50,5%); Công ty Prosperity Asia Capital Limited, quốc tịch British Virgin Island (19,5 %); Công ty Lionyear International Limited, quốc tịch British Virgin Islands (15%); Công ty Magic Luck Group Limited, quốc tịch British Virgin Islands (15%).

Bị cáo Tạ Chiêu Trung khẳng định 3 cổ đông nước ngoài của Công ty này là có thật, có hồ sơ lưu trữ, có thực hiện việc đóng thuế.

Tuy nhiên bị cáo Trung cũng cho biết do Ngân hàng SCB tái cơ cấu nên đến giờ những cổ đông này chưa được chia lãi. Thời điểm khởi tố vụ án này, phía Công ty Việt Vĩnh Phú đã liên hệ với những cổ đông này nhưng không được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục