Ngày 10/10, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần bảo vệ quyền lợi của luật sư cho những người có quyền, nghĩa vụ liên quan về các tài sản kê biên trong vụ án.
Liên quan Dự án khu Tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư, trước đó bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai tại tòa rằng, trước khi bị bắt, bị cáo có thỏa thuận miệng với Chủ tịch Tập đoàn Bitexco về việc chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Sau đó, Lan nhiều lần chuyển tiền cho Tập đoàn Bitexco tổng cộng số tiền qua các lần chuyển là 15.700 tỷ đồng.
Về lời khai trên của Lan, luật sư của Tập đoàn Bitexco xác nhận trước Hội đồng xét xử, Tập đoàn có nhận số tiền hơn 15.700 tỷ đồng từ Trương Mỹ Lan. Theo đó, năm 2018, bị cáo Lan và Tập đoàn Bitexco thỏa thuận chuyển nhượng dự án này với giá 22.000 tỷ đồng.
Đến nay, Lan chuyển cho Tập đoàn Bitexco 15.712 tỷ. Số tiền này được Tập đoàn Bitexco sử dụng thực hiện Dự án khu Tứ giác Bến Thành, thanh toán hoặc chuyển cho các công ty con trong Tập đoàn để hoàn trả các chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư dự án và một số dự án khác trong Tập đoàn Bitexco.
Tuy nhiên, luật sư của Tập đoàn Bitexco cho rằng thỏa thuận của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Bitexco là giao dịch dân sự hợp pháp. Hơn nữa, số tiền 15.712 tỷ đồng đã hòa chung vào tiền của Tập đoàn, không thể tách rời và Tập đoàn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Tập đoàn Bitexco đã tìm hiểu và xác định nguồn gốc số tiền trên không liên quan đến Ngân hàng SCB hay việc phát hành trái phiếu tại Công ty An Đông. Ngoài ra, việc Trương Mỹ Lan bị bắt trong quá trình thực hiện hợp tác chuyển nhượng khiến Tập đoàn Bitexco phải gánh chịu thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng.
Từ những luận điểm trên, luật sư của Tập đoàn Bitexco đề nghị tòa không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Bitexco. Luật sư khẳng định, Tập đoàn Bitexco nhận chuyển nhượng dự án là thật, có thực hiện các nghĩa vụ về thuế một cách đầy đủ. Khi nhận số tiền này từ Trương Mỹ Lan, Bitexco không biết số tiền có liên quan đến vụ án và cũng không có nghĩa vụ biết về nguồn tiền này. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị tòa gỡ bỏ phong tỏa các tài khoản của Tập đoàn Bitexco và các công ty trong hệ sinh thái của Bitexco để các công ty có điều kiện tiếp tục hoạt động, phát triển.
Công ty Cổ phần Tân Thành Long An là doanh nghiệp bị đưa vào danh sách hơn 700 doanh nghiệp bị Cơ quan điều tra phong tỏa do liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại tòa, luật sư đại diện cho bà Võ Thị Kim Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Thành Long An cho biết, trước khi vụ án bị khởi tố giữa bà Khoa và các đơn vị của bị cáo Trương Mỹ Lan đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng Dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát (Dự án Việt Phát) do Công ty Cổ phần Tân Thành Long An làm chủ đầu tư.
Sau khi hai bên ký kết thỏa thuận khung để chuyển nhượng Dự án Việt Phát với số tiền 30.000 tỷ đồng bà Khoa đã tiến hành các thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tân Thành Long An sang tên mình và các hoạt động để triển khai dự án.
Tuy nhiên, sau khi bà Võ Thị Kim Khoa tiếp quản Công ty Cổ phần Tân Thành Long An chưa đầy một tháng thì vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra, Bộ Công an tiến hành ngăn chặn, phong tỏa Dự án Việt Phát khiến từ đó đến nay dự án không được triển khai, gây ra thiệt hại rất lớn cho công ty.
Luật sư của Công ty Cổ phần Tân Thành Long An cho rằng, giao dịch giữa công ty và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là hợp tình, hợp pháp. Thời điểm thỏa thuận, phía công ty đã đặt cọc gần 1.700 tỷ đồng để vào điều hành dự án nói trên. Tuy nhiên, tháng 8/2022 hai bên làm hợp đồng, tháng 9 đặt cọc thì đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan bị bắt và dự án bị kê biên nên chưa được triển khai.
Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét gỡ bỏ các lệnh kê biên, phong tỏa để công ty tiếp tục thực hiện Dự án Việt Phát.
Sau phần trình bày của luật sư của Công ty Cổ phần Tân Thành Long An, Hội đồng xét xử cho bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày quan điểm liên quan đến dự án này. Bị cáo Lan cho rằng, phía Công ty Cổ phần Tân Thành Long An đang giữ 2.500 tỷ đồng là tiền nghĩa vụ còn tồn đọng cần phải thực hiện. Do đó, Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với yêu cầu của Lan về việc đề nghị trả 2.500 tỷ đồng còn thiếu khi chuyển nhượng dự án này, luật sư của Công ty Cổ phần Tân Thành Long An đề nghị tòa cho thêm thời gian để trao đổi lại với Lan. Công ty cho biết nếu Trương Mỹ Lan cử đại diện đến làm việc với công ty để chốt lại các khoản nghĩa vụ tài chính lúc đó phía công ty sẽ hoàn trả tiền để Lan khắc phục hậu quả vụ án.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, Cơ quan điều tra thu giữ 224 tỷ đồng của riêng Trương Mỹ Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.
Các cơ quan tố tụng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, vốn góp (liên quan đến Trương Mỹ Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được nhờ đứng tên) tại nhiều tập đoàn, công ty với tổng giá trị quy đổi khoảng 12.313 tỷ đồng; kê biên 9 bất động sản của Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Sau phần bảo vệ quyền lợi của luật sư cho những người có quyền, nghĩa vụ liên quan về các tài sản kê biên trong vụ án, phiên tòa tiếp tục phần đối đáp của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với những luận điểm bào chữa từ luật sư của các bị cáo.
Trước đó, luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về việc Lan không sử dụng tiền Ngân hàng SCB, không có ý thức chiếm đoạt. Đối với nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng qua tài liệu, chứng cứ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh luận cùng lời khai của bị cáo Bùi Văn Dũng (từng là tài xế riêng của Trương Mỹ Lan) đã chứng minh, Bùi Văn Dũng nhận chỉ đạo của Lan để chở số tiền có nguồn gốc từ trái phiếu Công ty An Đông và Công ty Setra, được rút từ Ngân hàng SCB đến nhà riêng của Lan hoặc đi trả nợ cho các cá nhân.
Bên cạnh đó, qua quá trình xét hỏi, Viện Kiểm sát xác định Trương Mỹ Lan có vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm toàn bộ trong vụ án. Lan là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu, những bị cáo còn lại đều làm công hưởng lương và làm theo từng công việc cụ thể theo sự chỉ đạo của Lan, trong đó bao gồm những hành vi nộp rút chứng từ “khống”, sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích, sử dụng nguồn tiền gói trái phiếu sau trả lãi số tiền phát hành trái phiếu trước…
Hành vi của bị cáo này là tiền đề cho bị cáo khác thực hiện chuỗi hành vi phạm tội khép kín, sử dụng tiền do phạm tội mà có và giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội.
Xâu chuỗi tình tiết vụ án, Viện Kiểm sát cho rằng việc kết luận các bị cáo trong vụ án đều phạm tội với vai trò đồng phạm với Trương Mỹ Lan là có căn cứ.
Về các tình tiết giảm nhẹ, Viện Kiểm sát cho biết đã ghi nhận thái độ chuyển biến và ý thức khắc phục hậu quả của bị cáo Trương Mỹ Lan nhưng do vụ án gây hậu quả quá nghiêm trọng, vẫn cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất của các tội danh bị truy tố đối với Lan.
Về việc Lan cam kết dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả, Viện Kiểm sát cho biết đây mới chỉ là lời nói của Lan, cần thêm thời gian để có kết quả./.
Các bị cáo hối hận vì đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội
Tự bào chữa, bị cáo Trương Vincent Kinh cho rằng, sau khi được cơ quan điều tra giải thích về hành vi sai phạm, bị cáo đã ăn năn, hối lỗi và gửi lời xin lỗi các trái chủ và gia đình trái chủ.