Bí ẩn về tỷ lệ tử vong thực sự do đại dịch COVID-19

Trong khi không có sự điều chỉnh về mức độ xét nghiệm ở mỗi nước và thực tế lý do bệnh nhân nhiễm virus tử vong thường không do COVID-19, tỷ lệ tử vong thực sự vẫn là ẩn số.
Bí ẩn về tỷ lệ tử vong thực sự do đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại Quimper, miền Tây Pháp ngày 5/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Forbes, tỷ lệ tử vong 4,7% do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là chỉ số rất không đáng tin cậy.

Trong bối cảnh không có sự điều chỉnh về mức độ xét nghiệm ở mỗi quốc gia và thực tế nguyên nhân bệnh nhân nhiễm virus thiệt mạng thường không do căn bệnh truyền nhiễm này, tỷ lệ tử vong thực sự do COVID-19 đến nay vẫn là một bí ẩn.

Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 30/3, số người nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đã vượt quá 737.000 người trong đó có 35.019 người thiệt mạng. Theo đó, tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 trên thế giới hiện là 4,7%. Tuy nhiên, tờ Thời báo Tài chính cho rằng con số này không chỉ biến động mà còn rất không đáng tin cậy.

Giám đốc Điều hành Chương trình cấp cứu y tế của WHO Mike Ryan cho biết có bốn yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở các quốc gia, đó là: con số chính xác những người nhiễm virus SARS-CoV-2, quy mô dịch bệnh tại một quốc gia như thế nào, bao nhiêu xét nghiệm được thực hiện ở nước này, và mức độ hiệu quả của các hệ thống y tế.

Điều quan trọng nữa là phải biết có bao nhiêu bệnh nhân nhiễm virus đã chết vì các nguyên nhân khác nếu không có đại dịch. Thông thường mỗi năm thế giới có khoảng 56 triệu người chết - tức là trung bình khoảng 153.000 người/ngày.

Xét nghiệm chưa đầy đủ

John Ioannidis, Giáo sư dịch tễ học của Đại học Stanford, đã gọi dữ liệu về dịch COVID-19 là "hoàn toàn không đáng tin cậy." Ông nói: “Chúng tôi không rõ số liệu thống kê số bệnh nhân thực tế gấp bao nhiêu lần số liệu chính thức - có thể gấp 3 hoặc 300 lần. Nếu hàng nghìn người bệnh mà chúng ta chưa biết vẫn còn sống thì tỷ lệ tử vong hiện tại là quá cao."

Số liệu này chủ yếu phụ thuộc vào số người mắc bệnh mà không có triệu chứng cũng như quy mô xét nghiệm một quốc gia thực hiện.

Chính vì vậy, các nhà khoa học của Đại học Hong Kong đã tính toán rằng tại Vũ Hán, nơi đại dịch bùng phát, nhiều khả năng tỷ lệ tử vong là 1,4%, thấp hơn nhiều so với ước tính 4,5% trước đó, vốn được tính bằng cách sử dụng số liệu thống kê chính thức về các trường hợp và tử vong.

Ở Anh, xét nghiệm chỉ được thực hiện ở những người có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 rõ rệt - và dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ tử vong là 6,2% (với 1.231 trường hợp tử vong trên 19.758 trường hợp ghi nhận mắc bệnh).

Rosalinda Smith, Giáo sư sức khỏe trẻ em tại Đại học College London, cho rằng dữ liệu chính thức của Anh về số trường hợp nhiễm virus “là có sai sót và không đáng được sử dụng." Theo bà, số lượng người thực tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2, "theo ước tính bảo thủ," cao gấp từ 5-10 lần.

Không chỉ có virus SARS-CoV-2

Các trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các nước được báo cáo rất khác nhau. Ví dụ, Italy là nước có tỷ lệ người tử vong so với số người nhiễm bệnh cao (hơn 10.000 người trên 97.000 bệnh nhân tính đến ngày 30/3), COVID-19 được liệt kê là nguyên nhân tử vong, ngay cả khi bệnh nhân đã có bệnh nền và chết do nhiều bệnh kết hợp lại. Và như thế, tỷ lệ tử vong ở Italy là hơn 10%. Tuy nhiên, chỉ có 12% số giấy chứng tử xác nhận nguyên nhân gây tử vong trực tiếp là do virus SARS-CoV-2, Walter Ricciardi, cố vấn khoa học của Bộ trưởng Y tế Italy tuần trước cho biết.

[Những tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19]

Chính phủ Tây Ban Nha không cung cấp bất kỳ thông tin bổ sung nào về tiền sử bệnh của những người chết do virus SARS-CoV-2 và chỉ công bố số liệu thống kê về cái chết của những người bị mắc bệnh được xác nhận. Nước này đứng thứ hai về số người chết vì dịch bệnh - hơn 7.000 người trong số 85.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (tỷ lệ 8,2%).

Bí ẩn về tỷ lệ tử vong thực sự do đại dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 3/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ cấu tuổi của dân số cũng đóng một vai trò, tác động tới trong tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các quốc gia. Ví dụ, Italy từ lâu đã là "hình mẫu đất nước có dân số già khỏe mạnh." Tính đến năm 2018, những người trên 65 tuổi ở nước này chiếm gần 23% dân số cả nước.

Một số lượng lớn người cao tuổi trong cấu trúc tuổi dân số là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ tử vong ở Italy có vẻ cao hơn. Tuổi trung bình của người Italy bị bệnh là 62, đại đa số nạn nhân của virus SARS-CoV-2 từ 60 tuổi trở lên. Ví dụ, Hàn Quốc, nơi có dân số trẻ hơn nhiều (năm 2018, số người già trên 65 tuổi chiếm chưa tới 14,4%), có 1/3 số trường hợp nhiễm bệnh là những người dưới 30 tuổi.

Tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc, theo số liệu chính thức, là 1,6% (158 trường hợp tử vong trên 9.661 bệnh nhân). Tỷ lệ tử vong ở Đức còn thấp hơn nữa với 560 người chết trên 64.000 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 0,9%. Hầu hết những người bị nhiễm bệnh ở Đức là những người từ 15 đến 59 tuổi. Tỷ lệ tử vong thấp cũng có thể do thực tế việc xét nghiệm được tích cực triển khai tại Đức, ngay cả với những người có triệu chứng nhẹ.

Tử vong do những nguyên nhân khác

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người thiệt mạng sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 thực sự tử vong do chủng virus này.

Phát biểu tại phiên điều trần Quốc hội tuần trước, Giáo sư Neil Ferguson, Giám đốc Trung tâm Phân tích Toàn cầu về Bệnh truyền nhiễm MRC của Đại học Hoàng gia London cho biết vẫn chưa rõ có bao nhiêu người chết vì virus SARS-CoV-2 ở Anh. Tuy nhiên, ông cho rằng tỷ lệ người thiệt mạng thực tế do COVID-19 có thể chỉ bằng 1/2, thậm chí là 2/3 số liệu thống kê. Ở Anh, khoảng 150.000 người chết mỗi năm trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba vừa qua.

Tỷ lệ tử vong cũng phụ thuộc trực tiếp vào gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe (như đã xảy ra ở Italy và một số khu vực của Trung Quốc, nơi bệnh nhân không được chăm sóc y tế đầy đủ).

Tại một bệnh viện ở Lombardy, miền Bắc Italy, các bác sỹ đã buộc phải cung cấp oxy cho bệnh nhân thông qua mặt nạ lặn Decathlon do thiếu thiết bị.

Tuần trước, ông Mike Ryan cho biết với số bệnh nhân điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt, việc các bác sỹ cứu sống được nhiều bệnh nhân như vậy là “phép lạ đối với chính họ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục