Bí ẩn về những hình vẽ khổng lồ trên đất ở Kazakhstan

Những hình vẽ được cho là có tuổi thọ ít nhất 3.000 năm, song kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng hình vẽ cổ xưa nhất trong số này có thể có tuổi thọ lên tới 7.000.
Bí ẩn về những hình vẽ khổng lồ trên đất ở Kazakhstan ảnh 1(Nguồn: Google Earth)

Năm 2014, các nhà khảo cổ trong khi đang điều tra trên Google Earth đã phát hiện ra 50 hình vẽ khổng lồ trên đất ở Kazakhstan. Tuy nhiên, từ đó tới nay mới chỉ có rất ít thông tin về cách thức, thời gian cũng như lý do vì sao những hình vẽ này lại được dựng nên.

Đó là lý do vì sao hai nhà khoa học đến từ đại học Pittsburgh là Shalkar Adambekov và Ronald Laporte đang tiến hành kêu gọi đào sâu nghiên cứu, đồng thời chuẩn bị hồ sơ đề nghị chứng nhận di sản thế giới cho những hình vẽ này.

Những hình vẽ trên đất ở Kazakhstan có rất nhiều hình dạng và kích thước khác nhau: hình vòng tròn, chữ thập, hình vuông và một hình chữ vạn. Không giống như những dòng Nazca nổi tiếng ở Peru, những hình vẽ này được tạo nên bằng cách đắp các mô đất nổi – các dòng Nazca được tạo thành bằng những đường rãnh đào xuống đất.

Điều đáng chú ý nhất của những hình vẽ này chính là những người tạo ra chúng. Những hình vẽ được cho là có niên đại ít nhất 3.000 năm, song kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng hình vẽ cổ xưa nhất trong số này có thể có tuổi thọ lên tới 7.000.

Trong thời gian này, các cộng đồng người Kazakhstan chủ yếu sống theo lối du mục, do đó lý do họ tạo nên những hình vẽ đáng kinh ngạc này vẫn còn là một bí ẩn.

Nurgali Arystanov đến từ Đại sứ quán Kazakhstan ở Mỹ gần đây đã gửi đi một bức thư báo, trong đó có một vài thông tin cập nhật về những hình vẽ này.

Trong thư, Arystanov cho biết những hình vẽ có thể sánh ngang với các điểm khảo cổ nổi tiếng như kim tự tháp Ai Cập hay Stonehenge.

Mặc dù, những hình vẽ chỉ được công bố vào năm 2014, song trên thực tế, chúng đã được phát hiện từ năm 2007 bởi Dmitry Dey, Irina Shevnina và Andrey Logvin.

Hình vẽ lớn nhất là hình vuông Ushtogaysky. Kích thước và độ chính xác hình học của chúng hết sức đáng kinh ngạc. Kích thước của hình vuông này là 8ha, được tạo thành bởi 101 mô đất. Mô đất thứ 101 được đặt ở chính giữa, mỗi bên của nó có 15 thùng gỗ và mỗi nửa đường chéo lại đặt 10 thùng gỗ.

Hình chữ vạn 3 lớp Torgay cũng là một hình rất lớn, với đường kính lên tới 90m, song hình vẽ này không được bảo quản tốt lắm.

Hiện tại, những hình vẽ trên đất này được cho là phục vụ mục đích linh thiêng hoặc tôn giáo – có thể là dành cho tang lễ. Cũng có ý kiến cho rằng những hình vẽ này là biểu tượng của một số gia đình và bộ lạc cụ thể, và có thể được tạo ra bởi những người thuộc nền văn hóa Hun-Sarmatia.

Bí ẩn về những hình vẽ khổng lồ trên đất ở Kazakhstan ảnh 2(Nguồn: Google Earth)

Adambekov, một người Kazakhstan đang hoàn thành chương trình thạc sỹ ở Pittsburgh, Anh, cho biết mặc dù các nhà nghiên cứu đang tích cực nghiên cứu những hình vẽ này, song vẫn còn rất nhiều việc cần làm.

"Vấn đề chính là có rất ít nghiên cứu về những hình vẽ này. Có một số nhóm đang nghiên cứu các hình vẽ và họ cũng đã báo cáo những phát hiện của mình, song tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều điều khác cần tìm hiểu xung quanh chúng. Ngoài ra, còn có những lo ngại về vấn đề bảo tồn nảy sinh do quá trình xây dựng, hao mòn tự nhiên và nhiều yếu tố khác. Đây là những công trình rất cổ xưa và mang nhiều giá trị văn hóa do đó chúng rất quan trọng – họ cho rằng đây là dấu vết của một nền văn minh cổ," Adambekov nói.

“Đây là một vấn đề rất phức tạp. Kazakhstan là một quốc gia ít được biết đến, và không có nhiều người biết rõ về nó. Những công trình này không xuất hiện trên các bản tin thế giới, vì thế có rất ít người biết tới chúng. Đó là một phần của vấn đề. Tài chính cũng là một vấn đề khác. Theo tôi biết, ngành khảo cổ không nhận được nhiều nguồn tài trợ, và Kazakhstan chỉ là một nước đang phát triển.. Nếu chúng ta có thể thu hút nhiều nguồn tài trợ thì sẽ rất tốt,” Adambekov nói thêm.

Laporte, giáo sư danh dự ngành dịch tễ học đã trực tiếp chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận các hình vẽ trên đất ở Kazakhstan là di sản thế giới. “Chúng ta vẫn còn biết quá ít về chúng,” ông nhận xét. “Tổ tiên của chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để tạo nên chúng, nên chắc hẳn chúng phải phục vụ một mục đích quan trọng nào đó trong cuộc sống của họ. Hiểu thêm về những hình vẽ này là rất quan trọng trong việc hiểu thêm về lịch sử của chúng ta, đặc biệt là những người Kazakhstan du mục – tại sao họ lại dành nhiều năm trời quay trở lại đây nhiều lần để xây dựng nên những công trình này? Đối với lịch sử của loài người, những hình vẽ này có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng có điều vẫn chưa được điều tra nghiên cứu."

“Cách tiếp cận của chúng tôi là đề nghị công nhận di sản thế giới. Tôi đang cố gắng kêu gọi các nhà khoa học Mỹ chung tay cùng các nhà khoa học Kazakhstan. Không phải để tiếp quản nghiên cứu, mà là để giúp khám phá thêm về những công trình này – họ cần có tài nguyên, và đây là một vấn đề liên quan tới toàn nhân loại," giáo sư nói.

Gần đây, Adambekov đã tóm tắt những phát hiện về các hình vẽ cho tới thời điểm hiện tại. Ông lưu ý rằng mật độ dân số ở Kazakhstan thuộc vào hàng thấp nhất trên thế giới. Ở nơi đây, cả một nền văn minh có thể bị giấu kín mà không ai biết tới trong hàng năm trời. Những hình vẽ trên đất cho thấy lịch sử giàu có và phức tạp của Kazakhstan cần được nghiên cứu và bảo tồn. Tuy nhiên, sự thiếu quan tâm cũng như kinh phí “có thể đưa phát hiện tuyệt vời này tới chỗ diệt vong, và một phần lớn lịch sử cổ đại của vùng này có thể sẽ biến mất mãi mãi."

Adambekov cho biết: “Điều này rất quan trọng đối với Kazakhstan, bởi những hình vẽ này đã có từ rất lâu, và vì tính chất du mục của tổ tiên người Kazakhstan tại đây, những hình vẽ này không hề được xây dựng chắc chắn. Chúng có thể trở thành điểm thu hút của Kazakhstan, do đó chúng có vai trò rất quan trọng đối với quốc gia này cũng như lịch sử của nó.”

Ông cũng cho biết việc mở rộng nghiên cứu có thể dẫn tới những phát hiện khác tương tự như 50 hình vẽ này, bởi đất nước Kazakhstan quá rộng lớn và ít người sinh sống. “Những hình vẽ đã bị giấu kín suốt hàng nghìn năm. Không hề có một truyền thuyết nào nói về sự tồn tại của chúng. Thường thì những thứ to lớn và nổi tiếng phải có truyền thuyết kể lại, song trong trường hợp này thì không hề có. Do đó, diện tích rộng lớn của đất nước này có thể còn ẩn chứa nhiều phát hiện khác. Có thể không phải trong vùng này, mà ở tại các vùng khác của Kazakhstan. Còn rất nhiều điều khác cần chúng ta khám phá,” Adambekov nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục