Trong vài năm qua, Internet đã cho chúng ta biết về Chiếc váy, một bức ảnh có một cẳng chân bị thiếu, hay một cái sàn nhà khiến chúng ta không xác định được phương hướng.
Nếu bạn vẫn muốn xem thêm những hình ảnh như vậy, dưới đây là tập hợp 10 ảo ảnh thị giác sẽ khiến đầu óc bạn quay cuồng cũng như tiết lộ cách não bộ của chúng ta xử lý và diễn giải màu sắc, thị giác ngoại vi, kích cỡ, v...v...
1. Hình dạng vô định hình ở dưới cùng bức tranh này đã khiến nhiều người nhầm lẫn trong nhiều thế kỷ.
Bức tranh có tên là "Những vị đại sứ" này được hoàn thành năm 1533 bởi Hans Holbein con, một họa sỹ người Đức. Nó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia ở London, Vương quốc Anh.
Khi bạn nhìn trực diện vào bức tranh, bạn sẽ thấy một vật thể lớn và biến dạng ở phía dưới. Nhưng khi nhìn từ một góc độ cụ thể, đốm màu đó sẽ biến thành hình một chiếc đầu lâu ngay trước mặt bạn.
Theo nhà nghiên cứu Phillip Kent, bức tranh này là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về một anamorphosis trong nghệ thuật - một hình ảnh có hình dạng bất thường và sẽ chỉ để lộ hình dáng "thực sự" của nó khi nhìn theo một cách "độc đáo" nào đó.
2. Những hình tròn trong bức hình này có màu gì?
Bức hình đầy màu sắc này đã khuấy đảo mạng Internet hồi giữa tháng 7 sau khi người tạo ra nó, tiến sỹ David Novick, một giáo sư thuộc Đại học Texas chia sẻ hình ảnh này lên Twitter. Hầu hết mọi người nhìn ra những vòng tròn này có 4 màu.
Nhưng bất kể bạn nhìn thấy gì, tất cả những vòng tròn trong hình này đều có màu sắc giống nhau. “Vẫn có những khác biệt, nhưng chúng hết sức tinh vi, và tùy thuộc vào kích thước của hình ảnh này khi bạn nhìn vào nó,” tiến sỹ Novick lưu ý.
Bức hình của tiến sỹ Novick, được ông đặt tên là “Pháo hoa giấy,” là một ví dụ về một ảo ảnh kinh điển gọi là ảo ảnh Munker. Theo Michael Bach, một giáo sư người Đan Mạch, ảo ảnh Munker tiết lộ nhận thức về màu sắc của chúng ta bị ảnh hưởng như thế nào bởi những màu sắc ở xung quanh.
3. Thoạt nhìn, trong bức ảnh này là một người đàn ông đang nghiêng người về phía trước và ôm lấy một người phụ nữ đang ngồi tại bàn làm việc.
Hồi tháng 5 năm ngoái, một người dùng Twitter tên là CJ Fentroy đã đăng bức ảnh này lên mạng. Người đàn ông trong bức ảnh này dường như đang mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, quần jean bó màu trắng và đi giày cao gót màu đen, trong khi người phụ nữ mặc một chiếc sơ mi caro màu tía.
Đó là một bức ảnh dễ thương và khá bình thường mà bạn có thể sẽ lướt qua nếu như không có dòng chú thích của Fentroy. "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là anh ta đang đi giày cao gót," Fentroy viết.
Nếu bạn nhìn lại bức ảnh này một lần nữa, bạn sẽ băn khoăn rằng đôi chân bạn đang thấy là của ai.
Khi nhìn kỹ hơn, thật khó để xác định là người đàn ông đang nghiêng người sang hay không, vì đầu anh ta ở vị trí cao hơn so với người phụ nữ, hay người phụ nữ đang nghiêng người qua, vì đầu của cô ấy ngả vào vai trái của người đàn ông.
Nhưng đa số cư dân mạng đồng tình rằng người phụ nữ trong ảnh mới là người đi giày cao gót, còn người đàn ông mới là người đang ngồi.
4. Nếu bạn nhìn chăm chú vào bức hình này trong khoảng 30 giây, nó sẽ biến mất hoàn toàn.
Vào tháng 4 năm 2018, một tổ chức về chăm sóc thị giác ở Horsham, Pennsylvania đã đăng lên Twitter một ảnh ảo thị giác khiến nhiều người không thể tin được. Bức ảnh này do Tiến sĩ David McPhillips thuộc Hiệp hội Chăm sóc mắt đăng lên và sẽ biến mất sau khoảng 30 giây khi bạn tập trung nhìn vào một điểm cố định trên đó.
Vậy ảo ảnh này hoạt động thế nào? Hiệu ứng khó tin này thực ra là một biến thể của ảo ảnh thị giác nổi tiếng gọi là vòng tròn biến mất của Troxler. Được phát hiện năm 1804 bởi Ignaz Troxler, một nhà vật lý học kiêm triết gia người Thụy Sĩ, hiệu ứng Troxler mô tả hiệu quả hoạt động của bộ não con người.
Nói một cách đơn giản, các tế bào thần kinh cảm giác của bạn có xu hướng lọc bỏ những thông tin không thay đổi - những kích thích mà bộ não cho là không cần thiết và không có tính đe dọa. Như Brandon Specktor của trang Live Science đã giải thích, khả năng thích nghi nhanh chóng với các kích thích này cho phép bộ não tập trung vào những thứ thực sự là quan trọng.
Khi bạn buộc hai mắt phải tập trung vào một chỗ, như cách mà bạn làm với những ảo ảnh Troxler, não bộ không nhận được thông tin nào mới để xử lý. Khi đó, các kích thích ở thị giác ngoại vi tập trung vào bản chất của môi trường xung quanh - trong trường hợp này là một vùng nền màu trắng - do bộ não của bạn đang "lấp đầy" các thông tin mà nó cho là không quan trọng để xử lý.
5. Hình xăm của người đàn ông này cho cảm giác như anh ta có một cái hố khổng lồ trên cánh tay
Bức ảnh chụp hình xăm này đã thu hút sự chú ý trên mạng hồi tháng 2/2018 sau khi được đăng trên Reddit. Hiện chưa rõ nghệ sĩ đã tạo ra hình xăm này là ai.
Jacob Shamsian của INSIDER giải thích rằng thiết kế của hình xăm này tạo ra một ảo giác về chiều sâu vô hạn, nhờ vào sự sắp xếp "những hình chữ nhật nhỏ dần" ở bên trong đường xoắn ốc.
6. Mặc dù bạn có thể nhìn thấy một loạt những vòng tròn xoáy, nhưng thực sự hình ảnh này hoàn toàn không chuyển động.
Bức hình trên được truyền cảm hứng từ ảo ảnh nổi tiếng "Những con rắn quay" của nhà tâm lý học người Nhật Bản, giáo sư Akiyoshi Kitaoka hồi năm 2003.
Cả hai đều là những ví dụ về một ảo ảnh trôi dạt ngoại vi, ở đó chúng ta nhìn những hình ảnh tĩnh thành những hình ảnh động. Điều thú vị là, khi bạn nhìn chằm chằm vào một phần trong ảnh mà không đảo mắt hay chớp mắt, phần đó sẽ dừng "quay" (trong khi những vòng tròn nằm trong phạm vi thị giác ngoại vi của bạn tiếp tục "chuyển động").
7. Bạn có thấy con mèo trong bức ảnh này không?
Được đăng trên Reddit hồi năm 2016, bức ảnh đơn giản này đã nhanh chóng gây bão mạng.
Nhiều người dùng Reddit đã phải rất vất vả để nhìn ra con mèo với bộ lông màu nâu vàng nhạt lẫn giữa những khúc gỗ đã chẻ.
"Mất nhiều thời gian lắm luôn," một người dùng Reddit bình luận. "Tôi đã nghĩ có khi nó chỉ là một mắt gỗ trên lớp vỏ cây ở nền ảnh cũng nên."
8. Bạn có nhận thấy điều gì bất thường ở bức tranh này của Leonardo da Vinci không?
"Salvator Mundi" là một bức tranh vẽ chúa Jesus đã từng bị thất lạc, được tìm lại và xác định là một tác phẩm của da Vinci hồi năm 2011.
Tuy nhiên, một số nhà sử học đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của bức tranh này vì một chi tiết cụ thể.
Quả cầu thủy tinh mà Chúa đang cầm không bóp méo ánh sáng như cách mà nó làm được trong thực tế.
"Thủy tinh hoặc pha lê rắn, bất kể được tạo hình thành quả cầu hay một thấu kính, đều sẽ tạo ra những hình ảnh phóng đại và bị lộn ngược," Walter Isaacson giải thích trong cuốn tiểu sử về da Vinci. "Thay vào đó, Leonardo lại vẽ quả cầu như thể nó là một bong bóng thủy tinh trống rỗng không làm khúc xạ hay biến dạng ánh sáng chiếu xuyên qua nó."
Đây là một lựa chọn rất kỳ lạ nếu xét theo xu hướng mô tả ánh sáng một cách cẩn thận - và chính xác về mặt khoa học- của nhà họa sĩ. Tuy vậy, Isaacson và nhiều người khác vẫn tin rằng bức tranh này là đồ thật. Một số người cho rằng có lẽ da Vinci đã cố ý bỏ qua kiến thức vật lý để nhấn mạnh vào sức mạnh thần thánh của Chúa.
9. Có một chiếc điện thoại ở đâu đó trong bức ảnh này
Một người dùng Facebook đã chia sẻ bức ảnh này lần đầu vào năm 2016, và sau đó nó đã được chia sẻ lại hàng nghìn lần.
Nhờ những họa tiết hình hoa, chiếc điện thoại đã hòa lẫn vào tấm thảm một cách hoàn hảo.
Bạn có nhìn ra không?
10. Hai vòng tròn màu da cam trong bức hình này có kích thước hoàn toàn bằng nhau
Được phát hiện bởi nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus, ảo ảnh thị giác này đã được phổ biến rộng rãi bởi nhà tâm lý học người Anh Edward B. Titchener năm 1901.
Được biết đến với tên là Ảo ảnh Ebbinghaus, hoặc Vòng tròn Titchener, hiệu ứng này mô tả cách bộ não của chúng ta "căn cứ vào bối cảnh để xác định kích thước của các vật thể." Do các vòng tròn màu xanh vây quanh vòng tròn màu da cam ở bên trái rất lớn, nên so với chúng vòng tròn màu da cam trông nhỏ hơn. Nhưng khi đặt cùng vòng tròn màu da cam đó giữa những vòng tròn xanh nhỏ hơn như hình bên phải, trông nó dường như lại to hơn hẳn./.