Bí ẩn cột đá chùa Dạm tạo sức hút kỳ diệu với du khách thập phương

Qua gần 1.000 năm, cột đá có kiến trúc đặc sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia nằm ở chùa Dạm (Bắc Ninh) mang trong mình những bí ẩn cộng với những câu chuyện truyền khẩu dân gian hư thực.

Qua thời gian gần 1.000 năm, cột đá có kiến trúc đặc sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia nằm ở chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) mang trong mình những bí ẩn cộng với những câu chuyện truyền khẩu dân gian hư thực đã tạo nên sức hút kỳ diệu đối với du khách thập phương.

Theo tài liệu lịch sử, chùa Dạm còn có tên khác là Cảnh Long Đồng Khánh, hay Đại Lãm Tự, từng là trung tâm Phật giáo lớn, đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý (1009-1225), được đích thân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan chọn đất và cho xây dựng từ năm 1086, hoàn thành vào năm 1094.

[Những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý]

Ban đầu chùa có 12 tòa nhà, thời sau được tôn tạo lại với quy mô rất lớn lên tới hơn 100 gian. Qua nhiều biến cố thời gian, hầu hết mọi công trình kiến trúc cổ xưa của chùa Dạm đã không còn nhưng những vết tích còn lại vẫn đủ để gợi nhắc về vẻ đẹp hoành tráng của ngôi đại tự cổ.

Nguyên vẹn nhất phải kể đến cây cột đá ngàn năm sừng sững nằm ở ngoài khuôn viên của chùa. Cột đá này cao khoảng 5m, lưng dựa vào núi Đại Lãm (núi Dạm) mặt hướng về phía Đông với cấu trúc gồm hai phần với phần gốc hình vuông với tiết diện dài gần 2m; phần ngọn hình tròn có đường kính lên tới gần 1,5m.

Điểm nhấn độc đáo nhất trên trụ đá là đôi rồng thời Lý tuyệt đẹp được chạm nổi. Đầu rồng uy nghi với mào lửa vươn cao chầu ngọc. Thân rồng uyển chuyển uốn khúc hình chữ s quấn quanh cột hai đuôi ngoắc vào nhau. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như vảy rồng, chân rồng với móng sắc nhọn cũng được người xưa chạm khắc rất chi tiết, tỉ mỉ.

Người dân vùng Bắc Ninh thường đến thắp hương tại cột đá cổ trong những ngày rằm và mùng một hàng tháng.
Qua bao thời gian, chiếc cột đá độc đáo này vẫn đứng sừng sững ở khuôn viên chùa Dạm.
Nhiều người cho rằng chiếc cột đá có kích thước rất lớn này được làm từ loại đá ở vùng khác, khác hoàn toàn với các loại đá tại địa phương.
Hai con rồng thời Lý được chạm nổi trên cột đá là điểm nhấn trên chiếc cột ngàn năm.
Phần thân rồng uyển chuyển uốn khúc hình chữ s quấn quanh cột hai đuôi ngoắc vào nhau trên cột.
Có rất nhiều vết tích ở khu vực cột đá như một minh chứng về sự tồn tại của công trình kiến trúc cổ tự hoành tráng thời Lý.
Đường lên cột đá cổ chùa Dạm men theo triền dốc.
Cột đá chùa Dạm, công trình kiến trúc hoàng tráng, đặc sắc bậc nhất của thời Lý còn lưu lại cho hậu thế.

Do không còn nguyên bản nên cây cột đá linh thiêng này còn là điều bí ẩn, hấp dẫn khiến rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cố gắng làm sáng tỏ về ý nghĩa thực sự của nó với vô vàn giả thiết. Căn cứ là hình dạng, cấu trúc tương đồng, có giả thuyết lại cho rằng cột đá chùa Dạm là chiếc Linga. Nếu dựa vào chi tiết những rãnh dầm, lỗ đá còn nguyên vẹn ở phần trên cùng của cây cột, nhiều người cho đó hẳn phải là lỗ kỹ thuật và trụ đá chắc là phần trụ đỡ cho một kiến trúc là toà sen hay một ngôi chùa nhỏ ở phía trên.

Ngay cả đôi rồng chạm trên đá cũng là đề tài tranh luận sôi nổi của nhiều người. Phần lớn cho rằng đấy là đôi rồng quyền uy đang chầu ngọc nhưng có người lại căn cứ vào những chiếc vảy rồng được chạm ngược trên thân một con rồng để nói đôi rồng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và hình tròn trên đó là quả trứng …

Dù có nhiều giả thuyết khác nhau nhưng hơn hết tất cả đều chung quan điểm, chiếc cột đá tuyệt đẹp này là công trình kiến trúc hoàng tráng, đặc sắc của thời Lý còn lưu lại cho hậu thế./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục