Tại Thông báo số 339/TB-VPCP, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả công tác đạt được năm 2020 và 11 tháng của năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thể hiện ở một số kết quả nổi bật như:
Đơn vị đã bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế. Đặc biệt đã phối hợp trình cấp thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với đó, tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Độ bao phủ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, trong đó đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, bảo hiểm y tế cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.
Quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
[Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022-2024]
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, giảm đầu mối cấp vụ, cấp phòng, các chức danh lãnh đạo các cấp ở cả Trung ương và địa phương, giảm 2.168 biên chế (10% so với biên chế được giao năm 2016) theo mục tiêu tại Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức, như: Khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thanh tra...); tác động của dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và một số chỉ tiêu về độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng; việc giải quyết chế độ đối với người lao động trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra; một số nơi nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò của an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”
An sinh xã hội phải lấy người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể, là mục tiêu, động lực, góp phần vào sự ổn định, lành mạnh của xã hội và phát triển của đất nước. An sinh xã hội phải dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, có sự linh hoạt, bám sát thực tiễn trong quá trình thực hiện, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Nắm chắc diễn biến tình hình (nhất là tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ...) để tham mưu kịp thời cho các cấp, các ngành xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế; khẩn trương lập tổ công tác để rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các luật, nghị định, quyết định, thông tư và đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, nhất là các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Thanh tra, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị; quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết 26-NQ/TW và Kế hoạch 10-KH/TW của Bộ Chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, kịp thời bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo khi khuyết thiếu.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế an toàn, bền vững và hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vừa đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của ngành.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế./.